Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cùng các sở, ngành vừa có buổi làm việc với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) về việc tập đoàn này đề nghị được thuê đơn vị tư vấn quy hoạch khu vực Bắc Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong.
IPP muốn chi tiền lập quy hoạch
Theo Ban Quản lý KKT Vân Phong, KKT này có tổng diện tích 150.000 ha, trong đó 70.000 ha đất liền gồm 2 khu vực: Bắc Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh và Nam Vân Phong ở thị xã Ninh Hòa. Hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cho phép tạm dừng công tác lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng của KKT Vân Phong. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến.
Về việc kêu gọi đầu tư vào KKT Vân Phong, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép thực hiện đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, qua rà soát Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 khu vực Bắc Vân Phong chưa đồng bộ với Quy hoạch chung của KKT đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 380 về diện tích, chức năng đô thị. Ban Quản lý KKT Vân Phong đã trình UBND tỉnh bố trí kinh phí để lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý kêu gọi đầu tư nhưng chưa được bố trí. Vì vậy, đến nay chưa thể triển khai thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Tại buổi làm việc, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn IPP, cho biết khu vực phía Bắc KKT Vân Phong đã được IPP nghiên cứu cách đây 2 năm. Dự kiến, lượng vốn đầu tư ở khu vực này khoảng 40 tỉ USD. Tuy không thể chi 40 tỉ USD nhưng IPP có thể kêu gọi những nhà đầu tư lớn ở nước ngoài đầu tư theo những lĩnh vực thế mạnh. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin phép được trả tổng chi phí khoảng 68 tỉ đồng để thuê một đơn vị lập quy hoạch cho khu vực Bắc Vân Phong. "Nếu sau này không đủ điều kiện làm, tôi cũng đồng ý. Từ đồ án này, có thể gọt giũa lại theo đúng ý của địa phương. Tôi chỉ mong sau này thành hình rồi thì cho đấu thầu, đấu giá rõ ràng. Đưa ra các tiêu chuẩn rõ ràng cho các nhà đầu tư tham gia" - vị tỉ phú này đề nghị.
Cần xã hội hóa
Đại diện Tập đoàn KPMG (Hàn Quốc) - chuyên quy hoạch các đặc khu kinh tế trên thế giới - đề xuất ý tưởng quy hoạch khu vực Bắc Vân Phong, trong đó tập trung cho du lịch (khu nghỉ dưỡng, giải trí, casino); khu dân cư - công nghiệp, bệnh viện, trường học để bảo đảm nguồn nhân công phục vụ công nghiệp; cảng biển phục vụ vận tải, tàu quốc tế. Ngoài ra, quy hoạch hướng đến hệ thống môi trường xanh; ngành hậu cần đa chức năng; cơ sở hạ tầng năng lượng, nước sạch, viễn thông; sân bay, đường bộ kết nối.
"Sau dịch Covid-19, các tập đoàn đa quốc gia đang có dự định dịch chuyển khỏi Trung Quốc và Việt Nam là điểm đến mà họ mong muốn. Việt Nam được đánh giá ổn định, hội đủ các điều kiện về tự nhiên, xã hội đặc biệt là khu vực Bắc Vân Phong. Một quan ngại của các tập đoàn đa quốc gia là nhân công có trình độ cao, công nghệ thông tin và giao thông vận tải" - đại diện KPMG đánh giá.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn mong muốn UBND tỉnh Khánh Hòa có bản ghi nhớ để Tập đoàn IPP nghiên cứu phát triển khu vực Bắc Vân Phong. Sau khi nghiên cứu và lập quy hoạch, đủ cơ sở để mời các nhà đầu tư lớn như cảng biển mời đối tác Hàn Quốc, casino mời nhà đầu tư Mỹ, cửa hàng miễn thuế có Lotte… "Muốn thu hút nhà đầu tư cần có cơ chế về giá đất rẻ, chính quyền tạo điều kiện và quan trọng nhất là nguồn nhân công. Để tạo điều kiện cho các đầu tư, chúng ta cần ít nhất 20.000 lao động phục vụ cho hạ tầng cơ sở. Do đó, có thể đặt hàng các trường đại học đào tạo ngay từ bây giờ" - ông Johnathan đề nghị.
Ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, đánh giá Vân Phong đã lỡ nhịp phát triển. Ý tưởng quy hoạch rất hay nhưng quá nhiều lĩnh vực đầu tư. Vì vậy, chỉ nên chọn một số ngành lớn, có lợi thế như khu công nghiệp, tài chính, logistics. Còn casino nếu đầu tư được thì nên đầu tư sớm, vì đã có nhiều nơi làm nên sẽ gặp khó khăn trong xin phép.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng lãnh đạo tỉnh đã nghe Ban Quản lý KKT Vân Phong báo cáo một số cơ chế chính sách đặc thù để xin ý kiến trung ương cho phép đầu tư vào Vân Phong. Lãnh đạo tỉnh thống nhất phạm vi nghiên cứu phía Bắc Vân Phong từ phía Đông Quốc lộ 1 và Nam Vân Phong ở phường Ninh Hải, Ninh Thọ với các loại hình nghiên cứu kêu gọi đầu tư: tổ hợp nghỉ dưỡng, tổ hợp dịch vụ phục vụ du lịch, cảng biển, tổ hợp sản xuất. Quan điểm của tỉnh là vừa phát triển công nghiệp nhưng vẫn bảo đảm cho du lịch, bảo vệ môi trường.
"Hiện nay, tỉnh đã chuẩn bị 500 ha đất sạch ở khu vực Ninh Hải để kêu gọi đầu tư công nghiệp. Tỉnh đã làm việc với Đắk Lắk để làm cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong, chúng tôi cũng đầu tư đường sá, điện nước để phục vụ KKT Vân Phong. Tỉnh sẽ bàn bạc, thảo luận với thường trực UBND tỉnh để xem xét các nội dung trong bản ghi nhớ, thông qua biên bản ghi nhớ" - ông Tuân nói.
Theo Ban Quản lý KKT Vân Phong, trường hợp không thể bố trí ngân sách, đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương hình thức xã hội hóa chi phí lập quy hoạch và chỉ đạo sở chuyên ngành có hướng dẫn trình tự, thủ tục cụ thể để thực hiện.
Kỳ vọng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn
Chiều 10-6, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết từ năm 2017, Tập đoàn IPP đã nghiên cứu dự án đầu tư vào KKT Vân Phong. Trước đó, tập đoàn này cũng chọn đầu tư vào Phú Quốc và đang triển khai ở Đà Nẵng và Vân Đồn (Quảng Ninh).
"Vạn Ninh, Khánh Hòa là quê hương của tôi và IPP đã đeo đuổi dự án này từ 3 năm qua" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn bộc bạch và cho biết nếu dự án ở Bắc Vân Phong sớm được thông qua chủ trương, đấu thầu công khai thu hút nhà đầu tư, IPP sẽ rót vốn đầu tiên để triển khai.
"IPP không có đủ 40 tỉ USD đầu tư cho cả dự án nhưng lợi thế lớn nhất của chúng tôi là uy tín, mối quan hệ với các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư lớn trên thế giới và họ đang sẵn sàng đổ vốn vào Việt Nam, trong đó có Bắc Vân Phong" - vị Chủ tịch HĐQT IPP nói.
Được ví là "ông vua hàng hiệu" của Việt Nam cũng giúp ông chủ của Tập đoàn IPP có lợi thế trong việc triển khai dự án ở Bắc Vân Phong. Bởi theo doanh nghiệp này, để xây dựng KKT cần đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng từ cảng biển, sân bay, khu phi thuế quan - bán hàng miễn thuế, trung tâm thương mại bán hàng hiệu giảm giá (factory outlet)... Trước mắt, nếu được thông qua và trúng thầu triển khai dự án, IPP sẽ đầu tư xây dựng khu bán hàng miễn thuế và khu factory outlet để thu hút khách quốc tế từ khắp nơi trên thế giới đổ về nhờ 108 thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới mà tập đoàn này đang phân phối.
"Nếu được triển khai, trong khoảng 3 năm, khu vực này sẽ hình thành trung tâm mua sắm. Khi đó, du khách từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... thay vì đi Anh, Pháp mua sắm hàng hiệu, nhất là hàng hiệu giảm giá, nay có thể tới Việt Nam. Phân khúc khách du lịch này rất tiềm năng nhưng lâu nay chúng ta chưa khai thác tốt" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn kỳ vọng. Th.Phương
Bình luận (0)