Lý giải vì sao phương thức thanh toán D/P (giao tiền thì giao chứng từ) với rủi ro là khi bên mua chiếm đoạt bộ chứng từ gốc, họ có thể lấy được hàng mà không cần thanh toán tiền cho bên bán nhưng các DN vẫn chọn, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Vinacas, cho rằng đây là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong xuất nhập khẩu hiện nay, với ưu điểm là thủ tục đơn giản, nhanh, nhiều khi hàng còn trên đường vận chuyển, bên bán đã nhận được tiền hàng.
Trong khi đó, thanh toán L/C (tín dụng thư bảo đảm thanh toán) rất an toàn nhưng chi phí cao và thời gian nhận tiền chậm, chỉ khi nào hàng đến cảng với sự xác nhận của hải quan thì ngân hàng mới chuyển khoản cho bên bán. Chính vì thế, phương thức thanh toán L/C chỉ được các DN chọn khi nhận thấy khách hàng có độ rủi ro cao.
"Do đó, Vinacas không khuyến cáo các DN chuyển sang hình thức thanh toán L/C vì không thực tế mà chỉ cần tìm hiểu kỹ về uy tín công ty môi giới cũng như khách hàng để tránh rủi ro" - ông Nhựt khuyến cáo.
Chế biến điều tại nhà máy ở tỉnh Bình Phước .Ảnh: AN NA
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, từ tháng 2, thời điểm Tết Nguyên đán, thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt, 5 DN Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu điều sang Ý với tổng số lượng gần 100 container cho nhiều khách hàng Ý và bắt đầu giao hàng. Tuy nhiên, khi DN thu tiền hàng qua hình thức D/P thì phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường nên đã tìm cách ngăn chặn các lô hàng.
Mặc dù vậy, vẫn có 36 container, giá trị hơn 7 triệu USD đã và đang đến các cảng của Ý trong tháng 3 trong khi DN và ngân hàng Việt Nam bị mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ của lô hàng, hiện không rõ các bộ chứng từ này đang ở đâu trong khi theo thông lệ quốc tế, bất cứ ai có được tài liệu này đều có thể đến hãng tàu để lấy hàng.
Bình luận (0)