xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bài toán xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc (*): Cần lộ trình chuyển đổi

NGỌC ÁNH - THANH NHÂN

Từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch cần quá trình chuẩn bị bài bản để thích ứng, đặc biệt là sự thay đổi từ vùng sản xuất

Theo lộ trình dự kiến tại dự thảo sửa đổi Nghị định số 14/2018 của Chính phủ về hoạt động thương mại biên giới để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, đến ngày 1-1-2028, các cửa khẩu, lối mở chỉ được làm thủ tục thông quan cho hàng đã được cấp phép, xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Điều đó có nghĩa cả chuỗi cung ứng nông sản hàng hóa buộc phải chuyển từ phương thức truyền thống sang hiện đại, nâng cao giá trị cho hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc.

Từ chuyện khoai lang tím

Khoai lang tím từng là mặt hàng nếm nhiều vị đắng của xuất khẩu tiểu ngạch, phải nhiều lần nhờ cộng đồng trong nước "giải cứu". Ông Sơn Văn Luận - Giám đốc HTX Khoai lang Thanh Ngọc (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), đơn vị vừa được cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói để xuất khẩu sang Trung Quốc - rất kỳ vọng vào lô hàng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên dự kiến trong tháng 5 tới. "HTX đã có đối tác ký hợp đồng, giá chốt 23.000 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi" - ông Luận nói.

Bài toán xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc (*): Cần lộ trình chuyển đổi - Ảnh 1.

Đóng gói chuối tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc ở tỉnh Đồng Nai .Ảnh: AN NA

Theo ông Luận, trước năm 2019, thương lái đến tận nơi thu mua khoai lang tím để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. "Khi đó trồng khoai lang rất đơn giản, chỉ cần làm sao có năng suất, mẫu mã đẹp là thương lái mua. Nhưng giá cả thì có năm trúng lớn, có năm lỗ nặng. Giờ xuất khẩu chính ngạch mọi thứ phải theo quy trình, phải ghi chép và có kiểm soát. Ban đầu khó khăn hơn nhưng yên tâm về đầu ra" - ông Luận so sánh.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xác nhận tỉnh Vĩnh Long đang gấp rút chuẩn bị xuất khẩu lô khoai lang tím chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc. 

"Chúng tôi đã thông báo cho chủ sở hữu 70 mã số vùng trồng, 13 cơ sở đóng gói khoai lang chủ động ký kết hợp đồng với đối tác để sẵn sàng xuất khẩu. Đây là mặt hàng có tiềm năng lớn vì diện tích trồng trong cả nước lên đến 100.000 ha, trồng được nhiều vụ trong năm, sản lượng có thể đạt 1 triệu tấn/năm" - ông Hoàng Trung đánh giá.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin thêm 2 mặt hàng gốc thực vật tiếp theo được đàm phán mở cửa xuất khẩu sang Trung Quốc là bưởi và dừa tươi. "Thứ tự ưu tiên các mặt hàng đàm phán dựa vào nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp (DN), tiềm năng lợi thế của Việt Nam. Không chỉ Trung Quốc, những thị trường khác như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc..., chúng tôi cũng tích cực đàm phán mở cửa thị trường" - ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Áp lực phải chuyển đổi

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, nhìn nhận việc xây dựng lộ trình đóng biên, loại bỏ hoàn toàn xuất khẩu tiểu ngạch vào Trung Quốc sẽ là trở ngại lớn cho các thương nhân Việt Nam lẫn Trung Quốc lâu nay giao dịch biên mậu khó thích nghi. 

Theo ông Viên, DN xuất khẩu Việt Nam đang tiếp cận các khách hàng ở biên giới. Họ đã quen buôn bán theo đường vận chuyển và thủ tục biên giới tương đối dễ chịu, khi chuyển sang hệ thống quản lý xuất nhập khẩu chính ngạch sẽ gặp nhiều bất lợi. Bên cạnh đó, thủ tục chính ngạch nghiêm túc hơn, thời gian vận chuyển và thông quan hàng hóa kéo dài so với tiểu ngạch cũng là trở ngại lớn. 

"Quan trọng là DN có quyết tâm làm hay không. Như Vinamit, năm 2010 công ty quyết tâm xuất khẩu chính ngạch và đã tiến hành mở văn phòng đại diện tại Trung Quốc, trực tiếp gặp gỡ, chào hàng đến các nhà phân phối Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Vinamit chấp nhận bỏ khách hàng cũ là những thương nhân ở biên giới chuyên nhập hàng thô về sản xuất để bán lại cho các nhà phân phối, phát triển khách hàng mới và chịu thêm áp lực cạnh tranh với chính những khách hàng cũ đó" - ông Viên chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Viên nói thêm chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần muốn đóng biên nhưng chưa thành công. Lần này, Trung Quốc quyết tâm quản trị biên mậu để quản trị nền kinh tế, khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh do hàng hóa nhập khẩu giá rẻ cạnh tranh với hàng hóa sản xuất trong nước.

Thực tế đã có 2 tập đoàn về nông sản lớn của Trung Quốc sang Việt Nam lập công ty thu mua, xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Ông Viên cảnh báo tương lai gần các công ty này sẽ mở rộng hoạt động sản xuất, thu mua nông sản Việt Nam để bán về Trung Quốc. Họ hoàn toàn làm chủ, dẫn dắt nền sản xuất, chế biến lẫn xuất khẩu nông sản Việt Nam. 

"Các DN lớn của Trung Quốc có lợi thế về tài chính, hệ thống phân phối lớn và sự nhanh nhạy nên chiếm ưu thế, làm chủ cuộc chơi" - ông Viên nói. Theo ông Viên, Trung Quốc thắt chặt kiểm soát, bắt buộc DN xuất khẩu Việt Nam phải làm đúng theo tiêu chuẩn của họ để làm ăn lâu dài với nhau.

Ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (thương hiệu VIETCOCO), cho biết với sản lượng sản xuất 200.000 tấn/năm, công ty đã xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đến hơn 50 thị trường, giá trị xuất khẩu 60 triệu USD/năm. Riêng với Trung Quốc, dù là thị trường lớn và sát vách Việt Nam nhưng công ty không bán được bao nhiêu do còn gặp nhiều bất lợi. 

"Chúng tôi tiếp khách Trung Quốc rất nhiều. Vướng mắc lớn nhất ở thị trường Trung Quốc là bán chính ngạch rất khó khăn, bán tiểu ngạch rất nhiêu khê trong khi họ không muốn mua sản phẩm hoàn chỉnh mà chỉ muốn mua bán thành phẩm. Bên cạnh đó còn có các vấn đề về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng… gây trở ngại cho DN" - ông Thành phản ánh.

Đối với ngành hàng hải sản tươi sống, bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản và Thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP HCM), cho hay để tiến tới xuất khẩu chính ngạch hoàn toàn, các DN Việt Nam cần đầu tư bảo quản, đóng gói để khách hàng Thượng Hải, Quảng Châu (Trung Quốc) có thể yên tâm mua trực tiếp từ DN Việt Nam. 

"Những DN có đầu tư như chúng tôi để xuất khẩu chính ngạch, vận chuyển trực tiếp bằng đường hàng không cho đối tác không nhiều, còn lại các thương lái phải vận chuyển bằng đường bộ xuất khẩu tiểu ngạch sang Quảng Châu. Từ đó mới đóng gói lại đưa hàng sâu vào nội địa Trung Quốc" - bà Thư nhận xét.

Tuy nhiên, theo bà Thư, DN Việt Nam cần thấy rõ áp lực cần chuyển đổi xuất khẩu chính ngạch để tồn tại thì nông dân lại có suy nghĩ chuyển đổi thì được gì hơn so với hiện tại. "Trung Quốc là thị trường hấp dẫn của tất cả các nước sản xuất trên thế giới, việc bán hàng của Việt Nam sẽ không còn dễ dàng như trước" - bà Thư bày tỏ. 

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-4

Không nên đánh mất lợi thế?

Ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam, cho biết ông đang soạn thảo văn bản góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định số 14/2018 theo hướng: Việt Nam nên xem xuất khẩu tiểu ngạch là lợi thế cạnh tranh quốc gia thay vì tìm cách triệt tiêu.

"Thực tế Trung Quốc vẫn có nhiều chính sách khuyến khích giao thương biên mậu để phát triển kinh tế vùng biên giới thì Việt Nam nên tận dụng. Đây là lợi thế tuyệt đối của Việt Nam vào Lào mà các quốc gia như Campuchia, Indonesia, Thái Lan không thể có được. Chúng ta cần hiểu vì sao DN Việt Nam và Trung Quốc thích mua bán tiểu ngạch. Đơn giản vì chi phí thấp, mọi người cùng có lợi, trong đó có nông dân vì bán với giá cao hơn" - ông Tiến phân tích.

Theo ông Tiến, Việt Nam nên đàm phán với Trung Quốc để có chính sách thương mại biên giới ổn định, thống nhất, dễ thực hiện để khắc phục những bất cập của xuất khẩu tiểu ngạch thời gian qua thay vì triệt tiêu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo