Thế nhưng, con nợ vẫn là người đứng tên chủ quyền tài sản bảo đảm. Khi đó, VAMC muốn xử lý tài sản để thu hồi nợ là không đơn giản.
Thông thường, VAMC ủy quyền cho NH tiến hành các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm. Bước đầu tiên, NH sẽ thuyết phục con nợ tự bán tài sản hoặc NH tìm được người mua rồi làm trung gian để hai bên mua bán. Thế nhưng, không phải con nợ nào cũng hợp tác với NH. Một số cán bộ xử lý nợ của một NH ở TP HCM cho biết đã từng phối hợp với VAMC tiếp cận với 10 con nợ để thương lượng về các phương án xử lý tài sản nhưng đều gặp phải phản ứng khá bạo lực từ phía chủ tài sản, khiến cán bộ NH phải tìm cách tháo chạy.
Với những trường hợp trên, để thu hồi nợ, NH phải khởi kiện. Khi đó, các cơ quan thực thi pháp luật sẽ tiến hành hòa giải hai bên theo hướng gia hạn thêm thời gian trả nợ. Nếu hòa giải bất thành thì tòa án sẽ tiến hành xét xử để đưa ra phán quyết. Theo đó, trong một thời gian nhất định, con nợ phải có trách nhiệm trả nợ cho NH. Sau thời gian này, nếu con nợ chưa thực hiện phán quyết của tòa án thì cơ quan thi hành án tiến hành kê biên, cưỡng chế thu giữ tài sản rồi phát mãi tài sản thông qua đấu giá.
Vấn đề đặt ra là sau khi mua nợ của các NH, VAMC sẽ bán lại cho ai? Giả sử con nợ còn đứng tên chủ tài sản và bất hợp tác với NH thì không một nhà đầu tư nào có thể mua được tài sản. Do đó, VAMC phải mất nhiều năm chờ đợi NH khởi kiện con nợ thành công, tài sản được chào bán qua các phiên đấu giá may ra mới thu hút được nhiều nhà đầu tư mua nợ.
Một đầu ra khác mà VAMC đang nhắm đến là nhà đầu tư nước ngoài. Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC Nguyễn Quốc Hùng, VAMC đã lên danh mục 10 tài sản với tổng giá trị 7.800 tỉ đồng, gồm các dự án chung cư, cao ốc văn phòng, bệnh viện, nhà xưởng, khu công nghiệp tại TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hải Dương. Ngoài ra, VAMC còn tiếp tục nghiên cứu những quy định về pháp luật sao cho phù hợp, thỏa thuận được với các tổ chức tín dụng, với các doanh nghiệp và phải có điều kiện quy định kèm theo, bảo đảm nhà đầu tư nước ngoài có thể mua được nợ.
Tuy nhiên, hiện nay Luật Đất đai chưa cho phép người nước ngoài được sở hữu bất động sản. Theo luật này, tổ chức, cá nhân người nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn Việt kiều chỉ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong KCN, KCX...
Vì thế, muốn mua được tài sản từ VAMC, nhà đầu nước ngoài chỉ có cách nhờ các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đứng tên chủ quyền và thường phải đối mặt với những rủi ro khó lường, nhất là khi người đứng tên hộ “lật kèo”. Đây là một trong nhiều rào cản mà VAMC đang phải đối mặt khiến đầu ra của nợ xấu hết sức chật hẹp.
Bình luận (0)