Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức cuộc họp để nghe Công ty Wimberly Allison Tong & Goo (WATG - Mỹ) thuyết trình lần 3 ý tưởng quy hoạch tổng thể khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng tại Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã thuộc tỉnh này. Tại cuộc họp, ý kiến nhiều sở, ngành của tỉnh đánh giá cao ý tưởng, đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học ở VQG này.
Hạn chế xây dựng
WATG đề xuất sử dụng gần 315 ha đất ở khu vực phân khu dịch vụ hành chính của VQG Bạch Mã để xây dựng một khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Một phần diện tích này trước đây người Pháp đã xây dựng 139 biệt thự nghỉ mát, hiện vẫn còn nguyên giá trị.
WATG đề xuất chia 5 phân khu chức năng chính. Theo đó, khu tâm linh nhằm tạo ra một hành trình tâm linh qua rừng, làm nổi bật một loạt tác phẩm điêu khắc cùng các yếu tố tâm linh tôn giáo. Làng đỉnh núi là mô hình một phố núi độc đáo, tận dụng toàn bộ ưu thế về tầm nhìn rộng, đường dạo kết nối thẳng đến ga cáp treo và đường giao thông.
Làng di sản bên triền đồi kết hợp với các công trình biệt thự Pháp cổ được trùng tu là điểm hướng đến di sản, lịch sử và nghệ thuật. Làng trung tâm là nơi trung chuyển ga cáp treo, mua sắm, ăn uống và là cửa ngõ của hành trình du lịch tâm linh. Bên cạnh đó là khu nghỉ dưỡng sinh thái nằm ở khu thung lũng thác nước...
WATG đề xuất xây dựng tuyến cáp treo và một tuyến đường bộ theo hình chữ S, cả hai đều bắt đầu từ đỉnh Bạch Mã và kết thúc ở chân thác nước để kết nối các phân khu chức năng theo trục cảnh quan xanh.
Về mặt bằng sử dụng đất, WATG đề xuất khu thương mại dành cho ăn uống, mua sắm có diện tích 5,4 ha; diện tích xây dựng chiếm 20%. Đất di sản với việc phát triển làng di sản, nghệ thuật 1,8 ha; đất tâm linh 10,4 ha; khu khách sạn, nghỉ dưỡng 18,9 ha (mật độ xây dựng chiếm 13%); đất khám phá thiên nhiên 7,3 ha... Tổng diện tích đất xây dựng chưa đầy 5 ha (chiếm 1,56%), trong đó sẽ có khoảng 50 villa nằm rải rác từng phân khu, có độ cao từ 1-3 tầng.
Về quy hoạch chi tiết, WATG chia ra các phân khu phát triển du lịch cụ thể. Trong đó, phân khu làng du lịch chân núi gồm có một số nhà nghỉ, căn hộ dịch vụ kết hợp với cảnh quan thiên nhiên. Làng du lịch đỉnh núi sẽ có 2 khu thương mại, một đài quan sát sử dụng vật liệu gỗ hoặc tre ở địa phương, xây dựng cấu trúc công trình cao và nhẹ, phù hợp với cảnh quan. Làng du lịch di sản sẽ xây dựng nhiều nhà khách, nhà nghỉ với 150 giường, chiều cao từ 2-3 tầng, trong đó có cải tạo lại các biệt thự Pháp cổ.
Trong khi đó, làng du lịch trung tâm gồm khu dịch vụ, phố thương mại với nhiều cửa hiệu, nhà hàng ẩm thực; khu nghỉ dưỡng sinh thái sẽ có 60 phòng nghỉ (120 phòng), cao 1-2 tầng, được xây dựng bám theo 2 sườn núi của thung lũng, kết nối với nhau bằng các cây cầu mang nét đặc trưng. Tại thung lũng thác nước sẽ có nhà hàng ven hồ, công viên thám hiểm rừng, nơi dành cho cắm trại, khu thương mại và nghỉ dưỡng bên thác nước 320 giường...
Vượt diện tích cho phép
Cho ý kiến về ý tưởng quy hoạch của WATG, ông Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc VQG Bạch Mã, bày tỏ sự ủng hộ và cho biết sẽ đồng hành nhóm tư vấn để hoàn thiện. Theo ông Kéo, hiện Chính phủ đã có quy định rất mở trong việc phát triển du lịch tại các VQG, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng đơn giản hơn nhiều.
Theo ông Kéo, hiện đơn vị tư vấn mới đưa ra ý tưởng quy hoạch chung, chưa can thiệp đến kỹ thuật nên lãnh đạo VQG Bạch Mã chưa thể đưa ra đánh giá, góp ý về độ cao, thấp của các công trình xây dựng. Tuy nhiên, nhìn qua ý tưởng thì diện tích quy hoạch của WATG để phát triển du lịch gần 320 ha, trong khi theo phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tối đa chỉ 300 ha nên cần chỉnh sửa cho phù hợp.
“Hiện Bạch Mã chưa tiến hành một công trình xây dựng mới nào. Chúng tôi đang thực hiện quy hoạch chi tiết, dự kiến cuối tháng 7 này, sẽ trình Bộ NN-PTNT xem xét. Quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế nên bám vào quy hoạch của chúng tôi” - ông Kéo trình bày.
Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng WATG cần phải nghiên cứu thêm, quy hoạch phải cụ thể hơn và cần đưa thêm các loại hình vui chơi giải trí khác để thu hút du khách, có thể nâng độ cao xây dựng tại một số vị trí để tăng tầm nhìn.
Đồng ý với nhận xét trên, ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng ý tưởng quy hoạch của WATG rất khoa học trong việc sắp xếp các phân khu chức năng, các loại hình du lịch khá đầy đủ, nếu làm được như vậy thì Bạch Mã sẽ là điểm đến đầy lý tưởng.
Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN-PTNT, nhận xét ý tưởng quy hoạch chỉ dựa vào việc nghỉ dưỡng là chủ yếu, trong khi việc vui chơi giải trí thì chưa xứng tầm. Cần mạnh dạn hơn để Bạch Mã thực sự là điểm du lịch lý tưởng. Còn ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhận xét đề án quy hoạch không ồn ào, khai thác khác biệt so với những nơi khác và bảo đảm yếu tố bảo tồn thiên nhiên.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, kết luận cơ bản thống nhất với ý tưởng quy hoạch này. Theo ông Cao, yếu tố du lịch gắn chặt với thiên nhiên được WATG đề cao, bên cạnh là yếu tố tâm linh nhưng cần điều chỉnh mở rộng hơn.
Ông Cao đề nghị tổ tư vấn nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh để thông qua; các sở, ban ngành của tỉnh phải tích cực phối hợp với VQG Bạch Mã để tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch để trình Bộ NN-PTNT xem xét, kêu gọi nhà đầu tư sớm thực hiện.
Nên mạnh dạn đầu tư
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế, cho rằng Thừa Thiên - Huế cần học hỏi kinh nghiệm xây dựng như ở Vinpearl (Khánh Hòa) để đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
“Bạch Mã và Vinpearl cũng na ná nhau, khi họ đầu tư thì chưa có quy hoạch nhưng vẫn làm rất nhanh. Bạch Mã thì người Pháp đã quy hoạch, xây dựng khu nghỉ dưỡng từ lâu rồi. Tôi đề nghị chúng ta vừa làm quy hoạch vừa tiến hành các thủ tục pháp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp” - ông Thành đề nghị.
Bình luận (0)