Anh Hoàng Hải (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết vừa qua anh có mua một chiếc đồng hồ Daniel Wellington (DW) của một người chuyên order đồng hồ cao cấp từ Mỹ về Việt Nam. Chiếc đồng hồ được giới thiệu là hàng chính hãng do đầu mối này nhập một lô hơn 100 cặp về bán sỉ cho khách lâu năm đặt. Tuy nhiên, vị khách lâu năm vì một vài vấn đề nên không lấy được, đầu mối này đã thông báo bán thanh lý lỗ để thu hồi vốn.
Với mức giá thanh lý chỉ 1,6 triệu đồng/chiếc và 3 triệu đồng/cặp, đầu mối này cam kết sản phẩm là hàng chính hãng và đủ bảo hành 3 năm trên toàn cầu.
Tuy nhiên, sau khi mua và tìm hiểu về hãng đồng hồ này, anh Hải mới phát hiện ra mức giá của chiếc đồng hồ hiệu DW mà anh vừa mua chẳng rẻ hơn giá bán bên ngoài là bao.
Thực tế, những chiếc đồng hồ hãng DW được quảng cáo xách tay đã có giá rẻ hơn 50-60% so với mức giá niêm yết của hãng. Loại đồng hồ này đa phần có nguồn gốc từ Mỹ, cụ thể là từ các trang bán hàng online như Amazon, eBay. Một số khác được mua trong các đợt khuyến mãi tại các trung tâm mua sắm ở Mỹ.
Những chiếc đồng hồ DW thực chất đang được rao bán trên eBay, Amazon với mức giá tương đương mức "thanh lý lỗ" của các đầu mối. Ảnh chụp màn hình.
Hiện tại, chiếc đồng hồ anh Hải vừa mua đang được hãng này giảm giá với mức đã giảm tương đương mức "thanh lý lỗ" của đầu mối trên Facebook mà anh mua.
Còn với đầu mối dùng chiêu "bán lỗ để thu hồi vốn do bị khách mua sỉ xù", hàng loạt khách vừa tỏ lòng thương cảm, chia sẻ, vừa nhanh chóng đặt mua hàng mà không hề nghi ngờ.
Ông Văn Quyền (quê Bắc Ninh), thợ sửa đồng hồ lâu năm, cho biết những chiếc đồng hồ hiệu giá rẻ thường được mua bên ngoài "chợ xám".
Những chiếc đồng hồ ở thị trường này thường là đồng hồ chính hãng nhưng bị một số lỗi nhỏ không thể đưa vào các cửa hàng của hãng. Thậm chí, có trường hợp đồng hồ được lấy trực tiếp từ nhà máy sản xuất không thông qua các kênh phân phối, để có giá rẻ hơn.
Tuy nhiên, giới buôn đồng hồ cho biết nếu ham giá rẻ và mua ở những đầu mối kém uy tín, người mua có thể đối mặt với tỷ lệ hàng hỏng, hàng lỗi hoặc thậm chí hàng fake, kém chất lượng rất lớn.
Cũng với hình thức tương tự, một đầu mối chuyên order nước hoa cao cấp về Việt Nam cũng lấy lý do đang ôm một lượng hàng lớn cần bán lỗ để thu hồi vốn. Giá bán mỗi chai nước hoa 75 ml trước đây là 1,5 triệu đồng, nhưng nay thanh lý lỗ chỉ 580.000 đồng/chai.
Đầu mối này cũng không quên đưa ra cam kết về chất lượng sản phẩm là hàng chính hãng, bao test, check code...
Nước hoa cũng là mặt hàng thường xuyên được áp dụng chiêu bán hàng này. Ảnh chụp màn hình.
Tuy nhiên, những người thường xuyên order hàng xách tay từ nước ngoài về Việt Nam cho biết với nước hoa, rất khó có mức giá rẻ như vậy, và nghi ngờ không phải hàng chất lượng. Nhiều khả năng là hàng fake do Hàn Quốc sản xuất với mẫu mã tương tự.
Theo tìm hiểu, hiện nay không chỉ những mặt hàng như đồng hồ, nước hoa được các đầu mối trên Facebook áp dụng "chiêu nhập về bán sỉ cho khách đã đặt hàng nhưng bị 'xù', ôm nợ nên thanh lý bán lỗ. Khá nhiều mặt hàng khác như son môi, quần áo, các loại mỹ phẩm khác... cũng được các chủ buôn áp dụng.
Theo chị Đỗ Thoan (32 tuổi) người nhận mua hàng order từ nước ngoài về, những sản phẩm như son môi, nước hoa... được bán theo hình thức này khó có thể đảm bảo chất lượng.
Chị cũng từng là nạn nhân của chiêu bán hàng thanh lý này. Chị từng dính "quả lừa" khi ham son giá rẻ từ một đầu mối bán son trên Facebook. Đầu mối này cho biết nhập một lô son hàng chính hãng về cho khách nhưng khách không tới lấy nên phải thanh lý giá gốc.
“Giá đưa ra rẻ hơn rất nhiều so với giá cửa hàng nên mình đã mua 5 cây về dùng và tặng bạn. Tuy nhiên, khi mua về so sánh với son đã từng mua ở cửa hàng trước đây mới thấy đúng là tiền nào của đó", chị Thoan cho biết.
Cũng là nạn nhân của "chiêu" này, anh Trọng Hiếu (23 tuổi) cho biết anh mua một lọ sáp vuốt tóc với giá chỉ 100.000 đồng, trong khi giá niêm yết ngoài cửa hàng lên tới 560.000 đồng. Nhưng mua về, mở hộp sáp ra sử dụng anh Hiếu đã biết đây là loại sáp giả, có mùi rất khó chịu.
“Biết là giả mình rất tức, nhưng cũng chẳng muốn làm to chuyện vì chỉ có 100.000 đồng. Nhưng từ bài học này, mình không bao giờ mua những sản phẩm được quảng cáo theo kiểu kêu gọi lòng thương hại như thế này trên Facebook”, anh Hiếu cho biết.
Chị Hiền Lê (Hoàng Mai, Hà Nội), một người chuyên bán mỹ phẩm trên Facebook, cũng khuyên khách mua hàng cẩn thận với những đầu mối quảng cáo với hình thức thanh lý lấy vốn với nước hoa và mỹ phẩm. Nếu giá bán rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng thì chỉ có thể là hàng giả.
Vì thông thường, chị đặt hàng chính hãng từ nước ngoài về được ưu đãi code giảm giá cũng chỉ rẻ hơn 20-30%, không thể rẻ bằng một nửa, thậm chí có thể rẻ hơn tới 70% giá hãng đưa ra, chưa kể chi phí vận chuyển, mua hàng, thuế... Mặt hàng mỹ phẩm hiện nay có rất nhiều loại, nguồn gốc xuất xứ cũng khó kiểm soát, hàng giả, hàng nhái rất nhiều.
Bình luận (0)