Chiều 29-8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ổn định thị trường và phát triển chăn nuôi heo.
Tốc độ tăng đàn giảm mạnh
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thịt heo giảm giá sâu, gây khó khăn rất lớn cho người chăn nuôi thời gian qua là do đàn heo trong nước, trong đó có đàn heo tăng cao bất thường vào năm 2015 và nhất là năm 2016, cùng với tăng năng suất chăn nuôi đã làm nguồn cung thịt heo trong nước tăng cao.
Trong khi đó, nhu cầu thịt heo của thị trường nội địa không tăng do chịu chi phối của các mặt hàng thực phẩm khác như: gia cầm, thịt gia súc ăn cỏ và thủy sản. Chưa kể, xuất khẩu heo hơi giảm đột ngột vào cuối năm 2016 và 2017 vừa là nguyên nhân vừa là yếu tố gây tâm lý bất ổn cho thị trường thịt heo trong nước. Thực tế, nếu so với giá heo hơi của Thái Lan và Trung Quốc hoặc giá trung bình heo hơi trong nước hằng năm, người chăn nuôi Việt Nam đã thiệt từ 15.000-25.000 đồng/kg trong giai đoạn từ tháng 10-2016 đến tháng 6-2017.
Cục Chăn nuôi cho biết việc tốc độ tăng đàn giảm mạnh có thể ảnh hưởng đến nguồn cung con giống trước mắt lẫn lâu dài Ảnh: NGỌC ÁNH
"Đáng buồn là từ giữa năm 2016, khi giá heo hơi trong nước ở thời điểm cao nhất, Cục Chăn nuôi đã có khuyến cáo cảnh báo các địa phương không nên tăng đàn bằng mọi giá vì giá cao là không bình thường và sẽ không duy trì được lâu nhưng vẫn không ngăn chặn được xu hướng tăng đàn do lúc đó người chăn nuôi đang thu lợi nhuận lớn" - ông Dương nói.
Về các giải pháp khác, theo ông Dương, các địa phương đã có văn bản chỉ đạo việc kiểm soát tăng đàn, trong đó có biện pháp giảm quy mô đàn nái hậu bị và loại thải tối đa những heo nái kém, dưới chất lượng, heo con không đủ tiêu chuẩn. Kết quả, đã loại thải đến gần 500.000 heo nái, tương đương 10,28%. Đây là con số rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung con giống trước mắt mà còn ảnh hưởng lâu dài đến những năm tiếp theo.
Giải pháp tăng tiêu thụ cũng được triển khai để "giải cứu" ngành chăn nuôi thời điểm đó như: vận động người tiêu dùng tăng cường sử dụng nhóm thực phẩm từ thịt heo, mở các điểm bán hàng bình ổn giá, giảm giá 15%-30% trong các hệ thống siêu thị, tăng cường thu mua heo giết mổ cấp đông dự trữ…
Đánh giá chung về hiệu quả của các giải pháp "giải cứu" đàn heo vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng việc này là cần thiết. "Mọi người đặt câu hỏi giải cứu có đúng không? Giải cứu là đúng! Thực tế cho thấy các giải pháp đã hạn chế sự tăng đàn quá mức, từng bước đưa được giá trở về tiếp cận giá thành trung bình xã hội" - ông Cường nói.
Quản lý thịt heo theo chuỗi
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho rằng các giải pháp "giải cứu" như trên chỉ là phương án trước mắt, là giải pháp tình thế và không ai mong muốn. "Hiện nay, các khâu của chúng ta không được kết nối với nhau, còn phân tán và cắt khúc. Làm thế nào để tổ chức kết nối một cách chặt chẽ trong mô hình liên kết chuỗi. Trong mô hình liên kết chuỗi, khâu thị trường là quan trọng nhất và thị trường phải gửi được tín hiệu cho khâu sản xuất và chăn nuôi để cung không vượt cầu, sản xuất cái thị trường cần về cả mặt số lượng và chất lượng. Như vậy thị trường mới ổn định" - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM góp ý.
Cụ thể, theo ông Hòa, khi tham gia chuỗi, địa phương sẽ nắm được nhu cầu tiêu thụ và báo cho các tỉnh tổ chức nuôi. Khi đó, sản lượng sản xuất sẽ đi theo chuỗi, phụ thuộc nhu cầu tiêu thụ. Các khâu không thể từ chối chuỗi vì chỉ vào chuỗi mới có thể tiêu thụ được sản phẩm. "Nhìn chung, giải pháp căn cơ là phải tổ chức lại sản xuất. TP HCM là thị trường lớn, bình quân tiêu thụ 10.000 con heo/ngày. Chúng tôi đã tổ chức được khâu thị trường tương đối tốt qua kênh phân phối hiện đại và 2 chợ đầu mối lớn. Nếu chúng tôi tập trung quản lý tốt ở 3 đầu mối này thì kiểm soát và quản lý được thị trường và chính 3 đầu mối này cũng sẽ phát tín hiệu ngược lại cho khâu chăn nuôi, sản xuất để làm thế nào đáp ứng được đúng yêu cầu" - ông Hòa chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết sắp tới ngành chăn nuôi sẽ điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi theo hướng gắn với thị trường. Trong đó, kế hoạch trọng tâm là điều chỉnh chiến lược chăn nuôi tới năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 sẽ được hoàn thành trong quý IV/2017. Ngoài ra, điều chỉnh Nghị định 210 khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và hoàn thành đề án xuất khẩu mặt hàng thịt heo trong quý IV/2017… Ngành chăn nuôi cũng sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện về đất đai, tín dụng, miễn giảm thuế để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi. Đặc biệt, các địa phương phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch và cơ cấu lại ngành chăn nuôi phù hợp với lợi thế so sánh, gắn với nhu cầu thị trường và định hình được nhóm sản phẩm chăn nuôi đặc sản, đặc trưng của địa phương. Trong đó, cần lưu ý tới việc mở rộng quy mô chăn nuôi heo và công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.
Nhiều người nuôi heo bỏ nghề
Ngày 29-8, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết dù giá heo loại 1 đang treo giá 31.000 đồng/kg nhưng thực tế, giao dịch của nông dân chỉ xoay quanh mức từ 27.000-29.000 đồng/kg. Nguyên nhân vẫn là do cung vượt cầu, trong khi biên giới Trung Quốc đang kiểm soát chặt, rất hiếm xe heo qua được, nếu có thì chỉ giải quyết được lượng heo ở các tỉnh phía Bắc.
Theo một khảo sát mới đây, những hộ nuôi heo nhỏ lẻ (dưới 50 con nái) đã bỏ nghề 50%, hộ nuôi từ 50-100 nái giảm đàn từ 10%-20%, trong khi các "đại gia" quy mô 300-1.000 nái chỉ thải loại đàn do vấn đề kỹ thuật, không buông đàn vì cạn vốn như nông dân. "Từ tháng 12-2016 đến nay, chỉ những ai có heo xuất chuồng giai đoạn từ ngày 10 đến 20-7 thì có lãi, còn lại đều dưới giá thành. Với đà này, các hộ nuôi sẽ không còn trụ lại, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ thâu tóm ngành chăn nuôi" - ông Đoán cho biết.
NG.ÁNH
Bình luận (0)