Hơn 2 tháng kể từ khi TP HCM bước vào giai đoạn "bình thường mới", người dân TP đã quay lại gần như 100% nhịp sinh hoạt ngày thường. Siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, quán xá… đầy ắp hàng và chi chít bảng niêm yết giảm giá, khuyến mãi.
Mạnh tay kích cầu hàng Việt
Sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, lần đầu tiên trong 2-3 năm qua, Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong quý III/2021 chỉ ở mức 105 điểm, thấp hơn nhiều so với chỉ số niềm tin người tiêu dùng ở mức 126 điểm của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đại dịch đã làm thay đổi thói quen, tâm lý tiêu dùng của một bộ phận người dân. Trong đó, xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, xanh, sạch, sinh thái... đang bị chững lại do sau dịch bệnh, một bộ phận người tiêu dùng không quá phân biệt, quan trọng về sản phẩm hữu cơ, xanh, sạch... so với những sản phẩm khác. Theo kết quả khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường, xu hướng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vẫn đang tiếp diễn. Để đẩy nhanh quá trình phục hồi, các doanh nghiệp (DN) đã ráo riết thực hiện kích cầu tiêu dùng, trong đó trọng tâm là kích cầu hàng Việt. Tại TP HCM, từ giữa tháng 11 đến nay, hàng ngàn DN sản xuất, kinh doanh, phân phối đã tham gia Tháng khuyến mãi tập trung của Sở Công Thương TP tổ chức và Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia do Bộ Công Thương phát động với mức giảm giá lên đến 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi.
Saigon Co.op phối hợp với nhà cung cấp tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng điểm… để khách hàng mua sắm Tết thoải mái
Đơn cử, gần 1.000 điểm bán trên cả nước với các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile, Cheers (trực thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op) đang phối hợp với hàng trăm nhà cung cấp đồng loạt tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng điểm thưởng, hoàn tiền mua sắm… Hàng ngàn mặt hàng thiết yếu thuộc nhóm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, đồ dùng gia đình… được luân phiên giảm giá 30%-50%, kéo dài đến Tết Nguyên đán cho khách hàng mua sắm thả ga.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho hay trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng vẫn trong tâm lý phòng thủ và lo ngại biến chủng mới Omicron nên việc kích cầu không đơn thuần chỉ là giảm giá trên từng sản phẩm mà cần có sự đầu tư hơn. Saigon Co.op đang áp dụng các combo hàng khuyến mãi, kết hợp theo nhóm sản phẩm liên quan như gạo với dầu ăn, gia vị; nước giặt với nước xả, dầu gội với dầu xả… và kết hợp chéo giữa các loại hình dịch vụ để khuyến mãi thiết thực hơn, chăm sóc khách hàng chu đáo hơn. "Giai đoạn này không phải cứ giảm giá là người tiêu dùng mua hàng, bởi khả năng và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, khả năng kinh doanh B2B, B2C có những biến động, thay đổi khác nhau. Do đó đòi hỏi hàng Việt cần có sự sáng tạo, kết nối mang tính đặc thù hơn để có thể kích cầu hàng Việt mạnh mẽ hơn trong thời gian tới" - ông Đức cho biết.
Saigon Co.op đang áp dụng các combo hàng khuyến mãi để chăm sóc khách hàng chu đáo hơn
Giữ ổn định chuỗi liên kết cung ứng hàng hóa
Từ thực tiễn liên kết cung ứng hàng Việt trong các đợt dịch Covid-19, đặc biệt trong đợt dịch lần thứ 4 vừa qua khiến việc đi lại, vận chuyển, cung ứng hàng hóa cho người dân đặc biệt khó khăn trong thời gian dài, lãnh đạo Saigon Co.op đúc kết nhiều kinh nghiệm về mối liên kết sản xuất, cung ứng, phân phối hàng Việt. Trong đó, quan trọng nhất là các DN cần có sự tận tâm, tâm huyết với thị trường và khách hàng, nêu cao tinh thần "Tự hào hàng Việt". Với tinh thần này, Saigon Co.op nói riêng và nhiều đơn vị khác đã không từ chối bất cứ dịch vụ gì kể cả trong thời điểm dịch bùng phát. Bên cạnh đó là ứng dụng hiệu quả quản trị sự thay đổi, quản trị rủi ro đã giúp DN vượt qua được những khó khăn trong thời gian vừa qua.
"Việc đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ ở từng khâu đang xảy ra sau đợt bùng phát dịch thứ tư và dự báo sẽ còn tiếp tục xảy ra. Ví dụ, hàng hóa nông sản không thiếu nhưng lại thiếu bao bì để đóng gói nên nhiều DN phải chuyển sang bán theo kg, theo lố như cách thức cũ, không phù hợp với xu thế kinh doanh hiện đại hiện nay. Trong khi đó, công tác dự báo, kế hoạch kinh doanh hàng Việt cho thời gian sắp tới sẽ có nhiều xáo trộn do nhiều DN sản xuất, cung ứng không dự báo được tình hình, diễn biến sắp tới; đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán và năm 2022 nên đang rất lo lắng, chưa có định hướng rõ nét về kế hoạch và tình hình sắp tới" - ông Đức phân tích.
Theo ông Đức, để bảo đảm mối liên kết, nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng hàng Việt, cần đẩy mạnh phát triển các loại hình thương mại hiện đại, các kênh phân phối tiên tiến đối với tiêu thụ hàng Việt, bảo đảm phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới như: online, e-commerce, thanh toán không tiền mặt, thanh toán không tiếp xúc... Cùng với đó là đẩy mạnh số hóa, online hóa hàng Việt.
Đầu tư cho tương lai
Theo Saigon Co.op, trong suốt thời gian dịch phức tạp, có thời điểm 70% - 75% thị trường liên quan đến các lĩnh vực thương mại truyền thống phải đóng cửa, sức nặng dồn lên Saigon Co.op và các đơn vị phân phối hiện đại, nhưng các đơn vị đều nỗ lực duy trì các hoạt động kinh doanh, phục vụ thị trường và khách hàng. Các đơn vị cũng không tăng giá, không thực hiện những hành động ảnh hưởng tiêu cực đến việc duy trì chuỗi cung ứng hàng Việt trong suốt thời gian vừa qua.
"Nỗ lực này là một sự hy sinh nhưng cũng là một sự đầu tư cho tương lai. Doanh nghiệp nhận lại được tình cảm yêu mến của người tiêu dùng Việt, sự tin tưởng của thị trường, của nhà cung cấp và các bạn hàng, đối tác. Chính những tình cảm và sự tin tưởng này là nền tảng củng cố vững chắc hơn mối liên kết giữa các nhà cung cấp, đối tác, bạn hàng với các nhà phân phối, dịch vụ của Việt Nam khi trở lại điều kiện thị trường bình thường và phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới" - ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, đúc kết.
Bình luận (0)