Ông CHU TIẾN DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA): Chung sức chung lòng
Những tháng ngày "sống chung với dịch" đã kiểm chứng tinh thần trách nhiệm và sự kiên cường của cộng đồng DN TP HCM. Đã có doanh nhân không trụ lại được, có DN phải rời thị trường. Dù vậy, những doanh nhân còn ở lại đều không ngại hiểm nguy, kiên trì bám trụ, giữ công ăn việc làm cho người lao động và chung tay đóng góp sức cùng thành phố và cả nước chống dịch.
Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay, thông điệp lớn nhất của HUBA là DN cam kết luôn sát cánh cùng thành phố phục hồi, mở cửa trở lại nền kinh tế. Trong lúc kinh tế thành phố chưa bao giờ suy giảm mạnh và DN chưa bao giờ bị khó khăn bủa vây lớn như hiện nay, doanh nhân với tinh thần sáng tạo, năng động, linh hoạt, thích ứng và tiên phong đã xác định sứ mạng của mình trên mặt trận kinh tế là làm giàu cho thành phố, cho DN và người lao động của mình. Để hoàn thành sứ mạng này, DN cần sự chung sức, chung lòng và đồng hành của cả hệ thống chính trị.
Ông TRẦN NGỌC TÂM, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank): Ngân hàng luôn đồng hành với doanh nghiệp
Với tiêu chí coi khách hàng là đối tác, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài khiến DN rất khó khăn, chúng tôi không đứng ngoài cuộc mà triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ linh hoạt với từng phân khúc và từng trường hợp khách hàng cụ thể theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ.
Đồng thời, ngân hàng còn triển khai cấp tín dụng mới cho những khách hàng có triển vọng, có tiềm năng phục hồi bởi nguồn vốn mới để duy trì và phục hồi trở lại hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng rất quan trọng. Chẳng hạn, những lĩnh vực tín dụng chủ lực của Nam A Bank thời gian qua như thủy sản xuất khẩu, lúa gạo, nông sản… sẽ được ngân hàng tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp, chỉ 5%-6%/năm.
HĐQT ngân hàng vừa có nghị quyết trong đó nêu mục tiêu tập trung hỗ trợ khách hàng chủ lực; áp dụng giải pháp sát sườn với từng DN theo đúng tiêu chí "cấp đúng thuốc cho từng DN". Chúng tôi cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tín dụng để có thêm dòng vốn cấp tín dụng mới cho những DN tiềm năng.
Ở góc độ doanh nhân của một DN đặc thù, tôi đồng cảm, thấu hiểu với khó khăn của DN khác. Chúng tôi mong muốn các DN tìm được giải pháp phù hợp dựa trên nội tại của mình, từng bước hồi phục và vượt qua "cơn bão" Covid-19.
Ông PHẠM HUY BÌNH, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group): Giữ vững để tạo đà phát triển
Tác động của đại dịch Covid-19 là ngoài sức tưởng tượng. Không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng mang tính toàn cầu, Saigontourist Group cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Chính trong thời điểm khó khăn nhất, chúng tôi đã quán triệt phương châm bình tĩnh, linh hoạt, trách nhiệm, kịp thời đưa ra các giải pháp tối ưu trong điều kiện có thể để vừa giảm thiệt hại vừa cố gắng giữ vững nền móng nhằm tạo đà phát triển bền vững khi dịch bệnh được kiểm soát.
Kinh nghiệm hoạt động an toàn khi tình hình dịch bệnh diễn biến xấu chính là một trong những lý do Saigontourist Group được lãnh đạo Thành ủy, UBND TP HCM, Bộ Y tế… tin tưởng giao nhiệm vụ tiên phong thực hiện công tác hậu cần, phục vụ lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch tại thành phố.
Tính từ tháng 6-2021 đến nay, Saigontourist Group đã tiếp đón hơn 200 lượt đoàn công tác của Bộ Y tế, ban, ngành trung ương; tiếp đón phục vụ hơn 25.000 lượt đoàn y - bác sĩ từ các bệnh viện trung ương, tỉnh, thành phố khắp cả nước... Từ ngày 19-9 đến 7-10, Saigontourist Group tài trợ, tổ chức thành công 10 tour tri ân tại Cần Giờ, Củ Chi (TP HCM) dành cho trên 1.100 y - bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
Hiện, DN đã chuẩn bị sẵn phương án kinh doanh cụ thể tại từng đơn vị, từng địa phương với mục tiêu sản phẩm, dịch vụ phát triển bảo đảm an toàn, chất lượng, cạnh tranh... Mong muốn lớn nhất của tôi và Saigontourist Group là cuộc sống sớm trở lại bình thường để ngành du lịch có cơ hội tiếp tục phục vụ khách hàng, tiếp tục đà tăng trưởng.
Ông NGUYỄN ĐÌNH TRUNG, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh: Sẻ chia để cùng tiến lên
Hiểu được tác động của đại dịch Covid-19 không chừa một ai, chúng tôi đã quyết định "lùi một bước để tất cả cùng tiến". Chúng tôi liên tục triển khai chương trình tặng lại cho khách hàng 5% giá trị thanh toán từ đợt thứ hai của hợp đồng; hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng các trung tâm thương mại; miễn phí tiền thuê đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục... Trong "nguy có cơ", tôi tin rằng nếu mỗi chúng ta bằng cái tâm trong sáng cùng lùi lại thì nền kinh tế mới có thể đi lên. Nếu ai cũng muốn giành phần lợi về phía mình thì không thể cùng vượt khó.
Ngoài ra, sự phát triển bền vững của DN và nền kinh tế phải gắn liền với sự tiến bộ của cộng đồng, xã hội. Trong suốt 20 năm qua, chúng tôi luôn chia sẻ, đóng góp cho xã hội thông qua hàng loạt hoạt động hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học… với tổng kinh phí hơn 800 tỉ đồng.
Riêng trong đợt dịch Covid-19 này, chúng tôi đã dành gần 200 tỉ đồng cho các hoạt động chung tay chống dịch; tiếp sức lực lượng tuyến đầu; hỗ trợ xe cứu thương, trang thiết bị, vật tư y tế…
Ông NGUYỄN ANH ĐỨC, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op): Tin tưởng vào tín hiệu khởi sắc
Là đơn vị bán lẻ chủ lực của TP HCM, Saigon Co.op tự hào đã lựa chọn hy sinh lợi ích của DN khi cắt giảm lợi nhuận, doanh thu để duy trì hoạt động trong những tháng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và cung ứng đủ hàng hóa đến tay người tiêu dùng với giá hỗ trợ nhất có thể. Chúng tôi cũng rất tự hào vì dù gặp vô vàn khó khăn nhưng vẫn chăm lo cho cán bộ công nhân viên, điều phối lại quỹ thu nhập để tạo sự công bằng hơn cho người lao động…
Với vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thành phố đã tiên phong trong công tác phòng chống dịch và tái mở cửa nền kinh tế. Trong điều kiện bình thường mới, thành phố đang triển khai những giải pháp chưa từng có và không thể so sánh với bất kỳ tỉnh, thành nào trong cả nước.
Tuy nhiên, cần có sự tham khảo các quốc gia, các thành phố khác trên thế giới để bảo đảm đủ sức vực dậy nền kinh tế. Tôi tin rằng tình hình kiểm soát dịch hiện nay và các giải pháp đã đề ra sẽ giúp cộng đồng DN khởi sắc. Trong đó, ngành bán lẻ chắc chắn sẽ tăng trưởng trở lại nhưng theo một cách khác, chẳng hạn thay đổi về cấu trúc thị trường, hoạt động, thói quen mua sắm…
Ông LÊ HỒNG HÀ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines): Covid-19 để lại những bài học lịch sử
Theo dự báo gần đây nhất của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không thế giới sẽ phục hồi bằng 88% năm 2019 vào năm 2022 và phục hồi hoàn toàn so với trước đại dịch vào năm 2023. Tại Việt Nam, trên cơ sở tiến độ tiêm vắc-xin đang được đẩy mạnh, chúng tôi đánh giá thị trường có thể phục hồi dần ngay trong quý IV năm nay.
Để chuẩn bị cho năm 2022, chúng tôi đã xây dựng dự báo mức độ phục hồi thị trường theo 3 kịch bản cao, trung bình, thấp nhằm chủ động các phương án điều hành sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines sẽ khôi phục dịch vụ vận tải hành khách theo sự chỉ đạo, cho phép của các cơ quan chức năng; tìm kiếm cơ hội để mở thêm các đường bay mới và sẵn sàng tăng tần suất vào các dịp cao điểm…
Đại dịch Covid-19 đã để lại những bài học lịch sử cho các công ty, tập đoàn và những người làm kinh doanh nói chung. Hy vọng thời gian tới, cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh, hiệp lực bằng các chương trình, hoạt động thiết thực để tạo ra sức mạnh đoàn kết, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của mỗi DN cũng như cả nền kinh tế.
Ông ĐẶNG HỒNG ANH, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: Doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển
Thời gian qua, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã phối hợp với các doanh nghiệp (DN) hội viên triển khai thành công nhiều chương trình xã hội ý nghĩa, đặc biệt là chuỗi hoạt động "ATM", như: ATM gạo, ATM ôxy, ATM F0 chống dịch, ATM nhân lực tiêm vắc-xin, ATM hiến máu cứu người, ATM yêu thương…
Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức. Làm sao để "chèo lái" đất nước kiểm soát tốt và vượt qua được đại dịch để DN phát triển ổn định? Tôi cho rằng mỗi DN cần chủ động và nhanh chóng chuyển đổi số, kinh doanh trên nền tảng điện tử; tăng cường các giải pháp quản trị thông minh. Cộng đồng doanh nhân cần liên kết để tạo ra những chuỗi cung ứng mang lại giá trị cạnh tranh tốt nhất cho các DN, kéo các DN nhỏ và vừa cùng phát triển.
Bà NGUYỄN HƯƠNG, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land: Cần sự chung tay và quyết tâm cao
Dịch Covid-19 ập đến gây nên nhiều xáo trộn, đặt mỗi doanh nhân vào tâm thế chống chịu, đối mặt và vượt qua. Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc tái khởi động các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong quý cuối năm - giai đoạn quan trọng để tăng tốc, bù lại cho giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Bước sang thời kỳ mới, chúng tôi xác định thay đổi để thích nghi, cụ thể là điều chỉnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh phù hợp với thực tế và xu thế của thị trường. Hơn bao giờ hết, DN cần sự chung tay cùng quyết tâm cao của hệ thống các cấp từ trung ương đến địa phương trong việc tái khởi động nền kinh tế nhanh chóng và hiệu quả thông qua các biện pháp kích cầu; các gói giải pháp hỗ trợ DN. Đây cũng là thời điểm cần sự thay đổi mạnh mẽ và toàn diện về thủ tục hành chính, xóa bỏ các thủ tục pháp lý chồng chéo… giúp khơi thông nguồn lực phát triển của DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững tương xứng với tiềm năng vốn có.
Bà ĐẶNG THỊ KIM OANH, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Oanh (Kim Oanh Group): Không thay đổi sẽ khó phát triển
Chúng tôi không vì khó khăn mà quên trách nhiệm với cộng động, xã hội và đất nước. Năm tháng vừa qua, thông qua Quỹ Từ thiện Kim Oanh, chúng tôi đã dành ra hơn 75 tỉ đồng để thực hiện 6 chương trình hỗ trợ chăm sóc, điều trị cho người nhiễm Covid-19 và người khó khăn, gồm: chương trình tặng máy thở, vật tư y tế cho bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19; chương trình hạt gạo nghĩa tình cho dân nghèo; thuốc đặc trị Covid-19 cho bệnh nhân; thuốc điều trị F0 tại nhà cho các nhà báo, tăng ni tại các chùa...
Trong đợt dịch này, chúng tôi có thời gian nhìn nhận lại, xem lại những việc mình cần thay đổi, ví dụ tái cấu trúc sơ đồ làm việc; đưa ra thị trường sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn và đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn hậu giãn cách. Chúng tôi nhận thức rõ nếu không thay đổi tư duy sẽ khó phát triển.
Điều mà những người làm kinh doanh chúng tôi mong muốn là nhà nước, chính quyền địa phương thấu hiểu cho khó khăn của DN, tháo gỡ nhanh nhất các nút thắt về thủ tục hành chính để DN triển khai dự án nhanh chóng, thuận lợi.
Thanh Nhân - Thái Phương - Sơn Nhung ghi