Sáng 23-12, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM, Hội Nhà báo TP HCM cùng Hội Tin học TP HCM đã phối hợp tổ chức tọa đàm "Báo chí chuyển đổi số (CĐS) để phát triển bền vững" với nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị thiết thực từ lãnh đạo các cơ quan báo chí.
Xu thế tất yếu
Phát biểu đề dẫn, ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, cho rằng CĐS là xu thế tất yếu trong các cơ quan, đơn vị, trong đó có báo chí Việt Nam nói chung và báo chí TP HCM nói riêng.
"Dịch Covid-19 đã gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề đến tất cả lĩnh vực, kể cả lĩnh vực báo chí tại TP HCM. Dù vậy, các cơ quan báo chí ở thành phố tùy theo khả năng của từng đơn vị đã tích cực CĐS, ví dụ cho ra sản phẩm báo chí mới trên nền tảng trực tuyến như Facebook, YouTube, áp dụng công nghệ trong các khâu nội dung, kỹ thuật, phát hành… Tuy vậy, kết quả còn rất khiêm tốn, còn nhiều hạn chế, khó khăn. Một bộ phận không nhỏ ngại thay đổi, muốn làm báo theo kinh nghiệm và phương cách truyền thống nên rất lúng túng và hạn chế khi áp dụng các phương cách làm báo hiện đại" - ông Dũng nêu.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức phát biểu chỉ đạo tọa đàm .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phát biểu chỉ đạo tọa đàm, ông Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP HCM - khẳng định CĐS là tiến trình không thể đảo ngược, là xu thế không thể thay đổi, đặc biệt với lĩnh vực có tính chất đặc thù như báo chí.
"CĐS thay đổi toàn diện, căn bản hoạt động của cơ quan báo chí, hoạt động và tầm ảnh hưởng của phóng viên. Tọa đàm được tổ chức đúng lúc thành phố vừa trải qua giai đoạn giãn cách kéo dài. Mặc dù gặp nhiều khó khăn song đây cũng là cơ hội để nắm bắt lợi thế của công nghệ. Nhiều tờ báo, phóng viên đã cảm nhận được vai trò, lợi ích, nhu cầu cấp thiết của CĐS" - Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, CĐS không đơn giản là ứng dụng công nghệ vào các hoạt động mà đòi hỏi thay đổi cả quy trình làm việc, tư duy, suy nghĩ. "Với khối lượng thông tin khổng lồ, nếu làm báo theo cách cũ sẽ không chạy theo kịp, nảy sinh vấn đề trong vận hành cơ quan báo chí.
Xây dựng được quy trình ứng dụng công nghệ số không những tăng tốc độ xuất bản thông tin mà còn tăng khả năng tổng hợp, kiểm soát được đầy đủ hơn các nội dung cơ quan báo chí đưa ra" - ông Dương Anh Đức lưu ý và khẳng định "không thể thành người đi sau, đi chậm" trong tiến trình CĐS.
Nhiều kiến nghị thiết thực
Đóng góp ý kiến từ góc nhìn của lãnh đạo cơ quan báo chí, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, chỉ rõ báo in từ thời kỳ đỉnh cao nay đã giảm sút nghiêm trọng, thay vào đó là sự lên ngôi của báo điện tử và mạng xã hội. Hiện nay, với nhiều tòa soạn, việc duy trì một tờ báo in rất khó khăn khi tỉ suất lợi nhuận ngày càng thấp, song nếu bỏ báo in khỏi cơ cấu chung thì doanh số tụt rất mạnh. Đó là thách thức lớn với những cơ quan báo chí vừa có báo in vừa có báo điện tử. Trong bối cảnh này, Báo Người Lao Động nhận thức CĐS là con đường phải đi.
Để CĐS thành công, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động kiến nghị thành phố tạo điều kiện cho các báo, đài đưa cơ sở dữ liệu và đặt máy chủ tại Công ty Công viên phần mềm Quang Trung với mức phí thường niên hợp lý. Lãnh đạo Báo Người Lao Động cũng đề nghị các công ty công nghệ tại thành phố xây dựng hệ thống quản trị nội dung báo chí dùng chung, chia sẻ và phân cấp cho các cơ quan báo chí có báo điện tử, trang tin điện tử để cùng sử dụng. Đồng thời, kiến nghị Thành ủy, UBND thành phố, Sở TT-TT, Hội Tin học TP HCM hỗ trợ các báo xây dựng hệ thống quản trị số toàn cơ quan với chi phí hợp lý hơn.
Về nguồn tài chính, theo nhà báo Tô Đình Tuân, các cơ quan báo chí cần thành phố hỗ trợ ngân sách để thực hiện CĐS; trong trường hợp không cấp ngân sách thì có thể cho vay không lãi suất, các báo hoàn toàn có đủ năng lực để trả nợ trong vòng 10-20 năm. Ngoài ra, thành phố nên thành lập tổ chuyên trách CĐS tại cơ quan báo, đài để thúc đẩy tiến độ.
Ngoài ra, lãnh đạo Báo Người Lao Động kiến nghị Bộ TT-TT hỗ trợ cơ quan báo, đài thành phố về các nền tảng cơ bản thực hiện CĐS. Đồng thời, tăng cường đàm phán với các nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu Google, Facebook có cơ chế chia sẻ lợi nhuận với cơ quan báo chí mà các nền tảng này thường xuyên khai thác nội dung; tiến tới tham mưu Chính phủ, Quốc hội luật hóa quan hệ này bằng quy định pháp lý cụ thể. Đặc biệt, kiến nghị Bộ TT-TT chỉ đạo cơ quan chuyên trách thanh tra, kiểm tra các vi phạm về sở hữu trí tuệ, bản quyền báo chí…
Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, đề xuất thành phố có quỹ đầu tư, hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ để báo chí có thêm nguồn lực tham gia CĐS mạnh mẽ bên cạnh nguồn lực tự chủ của cơ quan. Ngoài ra, đề nghị Hội Nhà báo thành phố phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức những lớp đào tạo chung cho cơ quan báo chí trên địa bàn, qua đó giúp thay đổi cách vận hành cơ quan báo chí.
Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Thành Lợi cũng đề xuất thành phố lập tổ tư vấn CĐS, làm việc với từng báo để hỗ trợ xây dựng lộ trình CĐS; đồng thời, có cơ chế để các báo khai thác nguồn dữ liệu số theo cơ chế thị trường.
Về tình trạng mạng xã hội, trang web, trang tin ăn cắp bản quyền tác phẩm báo chí mà không trích nguồn khiến tờ báo mất độc giả, Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP HCM Mai Ngọc Phước cho rằng vấn đề bảo vệ bản quyền không chỉ là việc của một tờ báo mà là câu chuyện chung của tất cả các cơ quan báo chí. Ông đề xuất TP HCM thí điểm thành lập một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.
Nhà báo Mai Ngọc Phước đề nghị các cơ quan quản lý quyết liệt hơn trong việc xử phạt vi phạm tác quyền khi nhận được phản ánh từ cơ quan báo chí. Đồng thời, cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định chỉ cho phép các trang thông tin điện tử đăng lại nội dung báo chí nếu được các cơ quan báo chí đồng ý bằng văn bản.
Cùng ngày, Hội Nhà báo TP HCM chính thức công bố quyết định thành lập CLB Phóng viên Công nghệ thông tin và CĐS, chỉ định Ban Chủ nhiệm lâm thời do nhà báo Bùi Bửu Hà - Phó trưởng Văn phòng đại diện Báo Đầu tư tại TP HCM - làm chủ nhiệm.
Dịp này, Hội Nhà báo thành phố và Sở TT-TT cũng phát động và công bố Điều lệ Giải Báo chí viết về công nghệ thông tin và CĐS TP HCM lần I năm 2022, dự kiến tổng kết và trao giải vào ngày truyền thống ngành TT-TT (28-8-2022).
Bình luận (0)