Cụ thể, trong khi xăng A92 tại Việt Nam bán với giá 6.000 đồng/lít (tương đương 38,2 cent USD/lít) thì tại Campuchia là 2.600 rien/lít (tương đương 65 cent USD/lít). Khoản chênh lệch giá quá lớn (lên tới 26,8 cent USD/lít) đã trở thành động lực thúc đẩy nhiều tổ chức, cá nhân trong nước tìm cách xuất lậu xăng dầu từ Việt Nam sang Campuchia để kiếm lời.
Tại Phnom Penh, các cửa hàng bán xăng dầu nhập từ Việt Nam sang có quy mô nhỏ, nhưng lượng hàng bán ra lại rất lớn. Nguyên nhân là xăng dầu nhập lậu từ Việt Nam sang có giá cả rất cạnh tranh so với giá bán xăng dầu chính thức trên thị trường Campuchia. Chẳng hạn, giá bán 1 lít xăng A92 nhập lậu từ Việt Nam sang tại Phnom Penh chỉ là 2.100 rien (tương dương 52 cent USD/lít), thấp hơn 500 rien/lít so với giá bán tại các cây xăng chính thức (thấp hơn 12,5 cent USD/lít).
Hiện tại, xăng dầu nhập lậu từ Việt Nam vào Campuchia thông qua cả đường bộ lẫn đường thủy. Do có giá bán thấp, nên cả người đi xe máy lẫn ôtô ở Campuchia đều tới các cửa hàng xăng dầu nhập lậu từ Việt Nam để mua. Theo khảo sát, riêng tại Phnom Penh đã có tới gần một chục điểm bán xăng dầu nhập lậu từ Việt Nam.
Xuất lậu vẫn được… bù lỗ
Việc nhập lậu xăng dầu Việt Nam sang Campuchia như nói trên đã gây ra những thiệt hại không nhỏ cho đất nước. Đơn giản là hầu hết các loại xăng dầu nhập khẩu tuy đã được giảm thuế nhập khẩu xuống còn 0%, nhưng giá bán trong nước vẫn thấp hơn giá thành nhập khẩu nên ngân sách nhà nước đã phải bù một khoản không nhỏ cho các đầu mối nhập khẩu để bình ổn giá.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Ngọc Tuấn, do xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý giá, nên từ đầu năm đến nay, ngân sách nhà nước đã phải bù cả nghìn tỷ đồng cho các đầu mối nhập khẩu để tránh cho các đơn vị này bị lỗ lớn do nhập xăng dầu về với giá cao, bán lại với giá thấp.
Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã gián tiếp thừa nhận điều này khi cho biết, hiện giá thành nhập khẩu xăng A92 cao hơn so với giá bán ra là hơn 400 đồng/lít. Như vậy có thể thấy, tình trạng xuất lậu xăng dầu đang khiến cho ngân sách nhà nước và Petrolimex phải chịu bù lỗ cho cả lượng xăng dầu tiêu thụ ở ngoài Việt Nam.
Cơ quan quản lý có biết?
Câu hỏi này đã có câu trả lời. Không phải Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Petrolimex không biết tình trạng xuất lậu xăng dầu từ Việt Nam sang một số nước như Trung Quốc, Campuchia...
Tại cuộc họp báo về tăng giá xăng dầu do các cơ quan trên tổ chức vào tháng 3 vừa qua tại Hà Nội, đại diện Bộ Tài chính đã thừa nhận, một trong những nguyên nhân phải tăng giá xăng dầu trong nước là nhằm khắc phục tình trạng xuất lậu xăng dầu. Tuy nhiên, khi đó đại diện Bộ này không thấy nói tới những giải pháp chỉ đạo ngành hải quan cũng như các lực lượng khác trong việc ngăn chặn tình trạng xuất lậu xăng dầu sang các nước khu vực để kiếm lời.
Trong bối cảnh giá xăng dầu trên thế giới có những biến động tăng giá thì việc giữ nguyên giá xăng dầu trong nước tuy giúp bảo hộ cho các doanh nghiệp trong nước, nhưng cũng khiến bùng nổ nạn xuất lậu xăng dầu qua Campuchia, Trung Quốc...
Vì vậy, hơn lúc nào hết các cơ quan chức năng cần sớm có chỉ đạo những lực lượng như hải quan, biên phòng, quản lý thị trường... phải vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn việc xuất lậu xăng dầu, gây tổn thất cho ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)