Nguy cơ tạo khoảng trống pháp lý
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Cao Lục, LĐT và LDN có một số vướng mắc. Cụ thể, LDN và LĐT quan hệ chặt chẽ với quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, bất động sản, đấu thầu, môi trường, thương mại, các quy định về điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài…
Bên cạnh đó, việc rà soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh còn chậm, nguy cơ tạo ra “khoảng trống pháp lý” sau ngày 1-7-2016.
Theo LĐT, sau ngày 1-7-2016, các điều kiện kinh doanh do các bộ, địa phương ban hành không đúng thẩm quyền sẽ hết hiệu lực. “Trong khi đó, một số cơ quan, cán bộ, công chức chưa dành sự quan tâm cần thiết cho việc tổ chức thi hành luật và hỗ trợ phát triển DN” - ông Lục đánh giá.
Trước tình hình này, VPCP thống nhất với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng VBQPPL quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; tập hợp, công bố đầy đủ điều kiện kinh doanh…
Kiến nghị giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với bộ liên quan nghiên cứu, xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định giải quyết các vướng mắc trong thực hiện LĐT nhằm giải quyết các vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo ra sự liên thông giữa thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường; thống nhất cách hiểu về “điều kiện đầu tư kinh doanh”, đơn giản hóa và giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư; trình Chính phủ ban hành trong tháng 7-2016.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết còn không ít vướng mắc, phát sinh trong thi hành LDN và LĐT, như sự không tương thích, không phù hợp giữa quy định của LĐT và một số văn bản luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư; chưa ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 15/16 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện thủ tục, nghiệp vụ chấp thuận chủ trương, đăng ký dự án đầu tư và đăng ký DN.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho rằng việc hẹn làm việc với nhiều bộ để bàn biện pháp tháo gỡ phải mất cả tháng.
Đất đai có lót tay mới có sổ đỏ!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho ý kiến vì Luật Đất đai là vướng mắc, vênh nhất so với LĐT, LDN…
Thứ trưởng Bộ TN-MT Chu Phạm Ngọc Hiển kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ KH-ĐT làm đầu mối chủ trì xây dựng VBQPPL vì lo các bộ đều gắn quyền của mình. “Ngay trong Bộ TN-MT, các tổng cục còn gắn quyền của mình khi ban hành VBQPPL” - ông Hiển dẫn chứng.
Trước phát biểu của ông Hiển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng toàn đất nước này, thủ tục phiền phức nhất và lỗ hổng quản lý lớn nhất chính là lĩnh vực môi trường mà chẳng ai chịu trách nhiệm.
“Tôi rất buồn. Đất đai thì có lót tay, tiêu cực mới có sổ đỏ. Tạo điều kiện cho dân vẫn còn mờ nhạt lắm, quá nhiều thủ tục rườm rà. Qua lần này phải tháo gỡ vướng mắc và quản lý rất chặt về môi trường, đất đai công; đây là vấn đề rất đau đầu của đất nước hiện nay” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng LĐT và LDN có một số vướng mắc so với các luật khác như Luật Đất đai và có độ vênh giữa các luật với nhau. Hai luật này có điểm vi phạm quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân. Cần có quyết tâm chính trị rất cao trong việc thực thi LĐT, LDN, không để khoảng trống pháp lý, không cầu toàn mà bắt tay vào làm ngay.
“Tạo mọi điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ủng hộ, bảo hộ quyền tài sản, quyền kinh doanh. Công khai, minh bạch hóa quyền kinh doanh, không đẻ thêm giấy phép con, tạo thêm các điều kiện, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh” - Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng lưu ý quá trình thực hiện 2 luật gắn với Nghị quyết 19 là tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho người dân, DN. “Bộ nào để DN xếp hàng quá dài thì phải xem lại mình. Tăng cường tổ công tác thực hiện 2 luật để kiểm tra, phát hiện kịp thời vướng mắc, chủ nghĩa cục bộ trong xây dựng VBQPPL” - Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng đề nghị bộ máy công chức phục vụ nhân dân, DN để phát triển kinh tế theo đúng tinh thần luật; không cản trở người dân, DN. Chậm phát triển là do thể chế và thực thi công vụ có vấn đề, nhận thức chưa đầy đủ. “Chúng ta có cải cách thủ tục hành chính tốt mà cán bộ thực hiện không tốt thì sẽ gây cản trở phát triển” - Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng đồng ý ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 2 luật trên theo quy trình rút gọn (dùng 1 nghị định sửa nhiều nghị định), kiên quyết xong trước ngày 1-7 để không tạo ra “khoảng trống pháp lý”; đồng thời giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với VPCP và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai xây dựng nghị định này.
Kết quả tích cực
LDN và LĐT bước đầu mang lại kết quả tích cực. Thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN giảm xuống còn 2,9 ngày đối với đăng ký thành lập mới, 2,7 ngày đối với đăng ký thay đổi, nhờ đó giảm hơn nửa triệu ngày chờ đợi cho DN. Chỉ số PCI 2015 cũng ghi nhận đăng ký thành lập DN có bước tiến lớn nhất và có điểm số cao nhất trong 11 năm điều tra PCI.
Bình luận (0)