Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động, cho biết như vậy tại Tọa đàm "Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: Trước mắt và lâu dài" do báo tổ chức sáng 4-9.
Theo ông Tô Đình Tuân, Báo Người Lao Động với tư duy làm báo trong thời đại mới không chỉ là thông tin, truyền thông mà còn phải xông pha, kết nối cộng đồng để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của quê hương, đất nước. "Chúng tôi đề nghị và đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan thống nhất: Báo Người Lao Động sẽ mở kênh trên báo điện tử để nhận đặt hàng mua nông sản dạng combo do Tổ Công tác 970 của Bộ NN-PTNT triển khai. Chúng tôi sẽ tập hợp tất cả thông tin bà con yêu cầu và chuyển cho Tổ Công tác 970; Tổ 970 có trách nhiệm cung ứng hàng hóa và thu tiền. Như vậy, sắp tới nước ta sẽ có thêm kênh thông tin kết nối cung-cầu có lượng truy cập lên đến gần 1 triệu lượt người mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây sẽ là một trong những "đại lộ" góp phần giúp hàng hóa nông sản từ người nông dân đến với người tiêu thụ thuận tiện nhất, dễ dàng nhất" - nhà báo Tô Đình Tuân thông tin.
Lực lượng địa phương hỗ trợ mua thực phẩm theo dạng combo cho người dân TP HCM
"Hôm nay chúng ta có một buổi sáng thứ 7 đặc biệt, là ngày nghỉ cuối tuần trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 nhưng mọi người tham dự tọa đàm rất nhiệt tình, đầy đủ. Đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng dù bận nhiều công việc nhưng sáng nay đã sắp xếp để tham dự và có nhiều ý kiến phát biểu sâu sắc. Tọa đàm có nhiều ý tưởng hay, nhiều người đã phát biểu nhưng vẫn còn muốn phát biểu thêm, dù thời gian buổi Tọa đàm có hạn. Điều này chứng tỏ mọi người rất mong mỏi, chờ đợi có dịp để có thể nói lên trăn trở, suy tư, nêu lên các hiến kế nhằm góp phần đưa đất nước ta tiến lên; xây dựng thành công một nền nông nghiệp năng động, sáng tạo, hiện đại, kết nối được từ trung ương đến địa phương" - ông Tô Đình Tuân nói và tóm tắt 8 vấn đề chính nổi bật trong Tọa đàm. Đây cũng là những vấn đề quan trọng trong nền nông nghiệp-nông thôn và nông dân của nước ta hiện nay và tương lai:
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, những khó khăn, vướng mắc mọi người đã nhìn thấy và có thể còn nhiều khó khăn khác chưa lộ diện. Tuy nhiên, với nhận thức là tìm cơ hội trong thách thức, chúng ta hãy xem đây là một cuộc diễn tập thật sự để khắc phục các điểm yếu và tìm ra các cơ hội để phát triển. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số, vì trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, chuyển đổi số đã trở thành yếu tố sống còn. Để làm được những điều đó, trước hết phải đổi mới tư duy. Có tư duy mới thì sẽ dẫn đến hành động mới để từ đó thay đổi được các vấn đề tồn tại lâu nay mà chúng ta chưa thể giải quyết. Sự đổi mới tư duy đó cần được thực hiện đồng bộ và quyết liệt.
Thứ hai là phải có sự đồng lòng, đồng bộ trong kết nối từ trung ương đến địa phương, giữa các ngành các cấp và chúng ta "cùng ra quân" thì mới có thể thành công, đạt được mục đích nhanh nhất và hiệu quả cao nhất.
Thứ ba, phải tăng cường ứng dụng công nghệ cao, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu thụ, giảm khâu trung gian để người nông dân, ngư dân bán được nông sản, thủy-hải sản nhanh nhất, giá tốt nhất; người tiêu thụ nhận được món hàng chất lượng hơn, giá cả hợp lý hơn. Chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa ngắn lại, hiệu quả tăng dần lên.
Thứ tư, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp phải chú trọng trách nhiệm xã hội, giảm bớt lợi nhuận ở mức có thể để phục vụ cộng đồng một cách tốt nhất. Và khi những doanh nghiệp nào phục vụ cộng đồng tốt, trong sáng, hết lòng thì nhất định có lúc cộng đồng sẽ ủng hộ những doanh nghiệp đó một cách mạnh mẽ.
Trong tình hình như hiện nay, vai trò của hệ thống ngân hàng rất lớn. Nếu cả hệ thống ngân hàng cùng vào cuộc để hỗ trợ, các doanh nghiệp nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất và từng bước vượt qua khó khăn.
Thứ năm, đây là thời điểm dùng thị trường nội địa hỗ trợ một số mặt hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn về thị trường, vận chuyển. Với thực tế tình trạng logistics hiện nay, giá vận chuyển tăng cao và nhiều mặt hàng không thể xuất khẩu được thì thị trường nội địa là lời giải cho bài toán này.
Thứ sáu, tận dụng thời gian này, chúng ta tái cơ cấu sản xuất, tái cơ cấu thị trường. Đồng thời, đây cũng là thời cơ để các doanh nghiệp tiến hành đào tạo và tái đào tạo đội ngũ, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự để khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp có đội ngũ nhân sự chất lượng hơn, sẵn sàng nắm bắt thời cơ mới.
Thứ bảy, đây là cơ hội để nâng tầm nông dân, hãy biến người nông dân truyền thống thành người nông dân hiện đại có thể kết hợp được sản xuất với công nghệ và thương mại. Trong tương lai, nông dân không chỉ biết sản xuất ra sản phẩm mà còn biết ứng dụng công nghệ, sử dụng máy tính, ipaq, smartphone quảng bá sản phẩm và tìm thị trường tiêu thụ trên các kênh bán hàng online, trực tiếp kết nối với người tiêu thụ nông sản, thủy-hải sản để làm giàu cho họ và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Thứ tám, nếu làm tốt các giải pháp nêu trên, đây là cơ hội rất quan trọng để thay đổi nền nông nghiệp từ sản xuất truyền thống sang hiện đại mà bình thường chúng ta phải mất rất nhiều thời gian.
Với góc nhìn, tư duy không "ngồi yên than khóc" mà "mạnh mẽ xông pha", biến nguy thành cơ, chuyển hóa thách thức thành cơ hội, trong tương lai, chúng ta có thể không chỉ giải quyết được vấn đề đứt gãy chuỗi cung-cầu trong sản xuất và cung cấp nông sản, thủy-hải sản mà còn có thể thay đổi, xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, trong đó người nông dân truyền thống sẽ trở thành người nông dân hiện đại với khả năng ứng dụng công nghệ cao để đưa sản phẩm do mình làm ra đến với người tiêu dùng trong nước và cả thị trường quốc tế.
Bình luận (0)