Ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Trong câu chuyện về tình hình hoạt động doanh nghiệp trong hơn nửa năm nay, về số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết:
- Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 39.000 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 193,5 ngàn tỉ đồng.
Về mặt số lượng tăng 7,6%, nhưng lại giảm 19,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Còn nếu so với 6 tháng cuối năm 2012, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,5%, và vốn đăng ký giảm 14,24%.
Dù vậy, trong quý II, khu vực doanh nghiệp đã có những cải thiện tích cực, thể hiện qua chỉ số doanh nghiệp thành lập mới tăng khá nhanh, đồng thời số lượng doanh nghiệp gặp khó, dẫn đến giải thể hoặc ngừng hoạt động đã chững lại và có xu hướng giảm dần.
* Con số doanh nghiệp giải thể 6 tháng đầu năm cụ thể là bao nhiêu, thưa ông?
Số doanh nghiệp khó khăn, ngừng hoạt động là 28.755, trong đó, có 4.499 doanh nghiệp đã chính thức giải thể hẳn.
Còn lại 24.256 doanh nghiệp ngừng hoạt động, cũng có thể sẽ tiến hành giải thể và có thể hoạt động trở lại và chưa thể khẳng định được đã ra khỏi thị trường hay chưa.
Tuy vậy, theo tôi, con số trên vẫn là cao, khi tăng 1,8% so với 6 tháng cuối năm 2012 và tăng 10,54% so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động nhưng vẫn quay lại hoạt động theo chu kỳ thì đang tăng dần lên. 6 tháng đầu năm nay có khoảng 9,3 ngàn doanh nghiệp đã quay lại.
Có thể thấy, có những doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thể do tính thời vụ hoặc do khó khăn, khi có cơ hội thì họ quay trở lại.
* Lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng nhưng số vốn lại giảm, phải chăng quy mô doanh nghiệp gia nhập thị trường ngày càng nhỏ dần?
Vốn đăng ký 6 tháng đầu năm giảm nhưng số doanh nghiệp lại tăng, như thế cho thấy quy mô của doanh nghiệp giảm đi nhanh.
Tuy nhiên, điều đó cũng phù hợp với quy luật, vì thường kinh tế khó khăn, doanh nghiệp có quy mô nhỏ có tính linh hoạt, khả năng xoay xở tốt hơn để tìm ra những cơ hội mới. Họ tái cơ cấu đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng tốt hơn.
* Qua số liệu doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp đang hoạt động, đâu là những lĩnh vực có xu hướng phát triển, thưa ông?
Một số ngành có xu hướng chuyển biến tốt so với trước đây, như các ngành về công nghiệp chế biến, chế tạo về dụng cụ y tế, sản xuất phân phối các khí đốt, điều hòa không khí… Một số ngành dịch vụ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế… các dạng dịch vụ để hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp tăng trưởng khá tốt trong giai đoạn vừa rồi.
Một số ngành tái cơ cấu trong nội bộ ngành rất mạnh mẽ như bán buôn bán lẻ, sửa chữa xe máy, khi thành lập mới tăng 27,6%, dừng hoạt động tăng 8,1%, tức số lượng ra vào rất nhộn nhịp. Đối với các dịch vụ vận tải kho bãi, khai khoáng, giáo dục, đào tạo... tình hình cũng tương tự.
Một số ngành vẫn hết sức khó khăn, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... có số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng tới 94,4%, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 6,8%, ngành xây dựng có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 6%, trong khi ngừng hoạt động tăng 8,1%, kinh doanh bất động sản thành lập mới giảm 10,6% và ngừng hoạt động tăng 8,7%.
Đặc biệt, một lĩnh vực đáng lưu tâm là khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản thì hai quý đầu năm nay tình hình xấu hơn. Vì năm ngoái và trước nữa, nông lâm nghiệp và thủy sản là khu vực khá tốt trong lúc kinh tế khó khăn, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay thành lập mới trong lĩnh vực này giảm 26,5%, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 6,9%!
* Biểu hiện hoạt động của doanh nghiệp chính là sức khỏe của nền kinh tế. Theo chủ quan của ông, với những tín hiệu như trên, sức khỏe nền kinh tế của Việt Nam đang như thế nào?
Trước tiên phải khẳng định, trong suốt hai năm qua, thì 6 tháng đầu năm 2013 là 6 tháng đầu tiên nền kinh tế có những tín hiệu khá tích cực khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, đồng thời số doanh nghiệp gặp khó khăn có xu hướng chững lại.
Điều này chứng tỏ các cơ chế chính sách điều hành của Chính phủ đã bước đầu tạo được tác dụng, phát huy được một số cơ sở cho phục hồi của nền kinh tế sắp tới.
Thực tế cho thấy, trong khó khăn luôn có các cơ hội mới, lĩnh vực mới mà doanh nghiệp tìm được và họ còn tìm ra trước các cơ quan quản lý, trước hệ thống hành chính, chính sách. Điều này như một gợi ý chính sách để Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm các cơ hội mới.
Qua chi tiết của từng tháng, mặc dù có một số dấu hiệu khả quan, nhưng theo tôi phải hết sức theo dõi chặt chẽ chuyển biến của khu vực doanh nghiệp trong thời gian tới, khi đó mới khẳng định được hay không đáy của nền kinh tế đã qua chưa, vì đây mới là dấu hiệu bước đầu.
Bình luận (0)