Chị Nguyễn Thị Bảy - ngụ quận 12, TP HCM - cho biết cuối năm 2011, chị vay 240 triệu đồng từ một ngân hàng thương mại cổ phần để mua căn hộ chung cư với lãi suất trên 23%/năm. Đến nay, khoản vay được chị trả dần còn 180 triệu đồng và lãi suất phải trả lên đến 18,9%/năm.
Gồng mình trả lãi
Nhiều lần thắc mắc với ngân hàng về mức lãi suất quá cao này, chị Bảy được cán bộ tín dụng chi nhánh cho biết do chưa có quyết định điều chỉnh từ hội sở nên không thể hạ lãi suất cho khoản vay của chị. Trong khi đó, hợp đồng tín dụng ghi rõ lãi suất vay thả nổi theo thị trường. Nếu tính lãi suất tiền gửi theo năm hiện nay khoảng 8%-9%/năm, chênh lệch lãi ngân hàng được hưởng gần 10%/năm. “Mỗi tháng, tôi phải trả 2,7 triệu đồng tiền lãi, nghe có vẻ không nhiều nhưng nếu so với mức lãi suất tiền gửi quả là chóng mặt. Không có tiền tất toán trước hạn, khách hàng nắm dao đằng lưỡi nên đành chịu!” - chị Bảy bức xúc.
Tương tự, anh Nguyễn Duy Phong (nhà ở quận 9, TP HCM) cho biết 2 năm trước, anh cũng vay tiền từ một ngân hàng thương mại cổ phần mua căn hộ chung cư. Lãi suất lúc đó là 19%/năm, thay đổi theo thị trường. Gia đình anh phải gồng gánh khoản vay 650 triệu với mức lãi suất 23%/năm. “Nhiều tháng nay, lãi suất đầu vào hạ nhiều nhưng khoản vay của tôi còn 300 triệu đồng vẫn phải trả 17%/năm. Lãi suất tăng thì rất nhanh, 3 tháng điều chỉnh một lần hoặc tăng từng tháng theo thị trường nhưng khi hạ lại quá chậm” - anh Phong than.
Không chịu nổi mức lãi suất cao, cộng thêm vợ chồng anh phải chuyển công tác về tỉnh, anh Phong đành bán căn hộ để tất toán khoản vay ngân hàng với mức lãi suất phạt trả trước hạn là 3% trên dư nợ còn lại.
Nhiều khách hàng của các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang phải trả lãi suất cho khoản vay mua nhà ở mức 15%/năm dù lãi suất tiền gửi thấp hơn rất nhiều. Thông thường, theo hợp đồng tín dụng, mức lãi suất cho vay sẽ được các ngân hàng điều chỉnh theo quý hoặc 6 tháng một lần sao cho phù hợp với lãi suất thị trường. Cán bộ tín dụng của một số ngân hàng thừa nhận mức lãi suất cho vay mua nhà từ 11%-13%/năm chỉ áp dụng với khách hàng mới. Với khách hàng cũ, phải căn cứ vào hợp đồng tín dụng hoặc đến kỳ điều chỉnh. Thậm chí, nhiều khách hàng phản ánh chỉ đến khi thấy lãi suất vay quá cao so với mức bình quân trên thị trường, họ lên tiếng với ngân hàng hoặc làm… đơn cứu xét mới được xem xét giảm.
Nên xem kỹ hợp đồng tín dụng
Theo phân tích của các chuyên gia ngân hàng, khoản vay mua nhà thường có thời gian 10 năm hoặc lâu hơn. Khi đã ký hợp đồng tín dụng, tài sản thế chấp nằm trong tay ngân hàng, khách hàng thường chịu thiệt bởi lãi suất càng cao, ngân hàng càng lợi. TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng Trường ĐH Mở TP HCM, nhận xét: Các khoản vay tiêu dùng ngân hàng được quyền thỏa thuận lãi suất với khách hàng. Trong khi lãi suất đầu vào áp trần, còn đầu ra bỏ ngỏ khiến việc lãi suất thấp chỉ áp dụng cho khách hàng vay mới để thu hút là điều dễ hiểu. Thông thường, lãi suất chênh lệch bình quân giữa huy động - cho vay khoảng 3%-3,5% là ngân hàng đã có lợi , mức vay 17%/năm là quá cao so với mặt bằng hiện nay.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng nhận xét rằng nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp chỉ dành cho khách hàng mới, trong khi khách hàng cũ mới là đối tượng cần chăm sóc, đem lại nguồn lợi nhuận thường xuyên cho ngân hàng. Thậm chí, ngân hàng chỉ lo đi “dụ” khách hàng mới vay tiền, trong khi khách hàng cũ lại phải gồng mình trả lãi suất cao. Vì vậy, để tránh tình trạng bị bắt chẹt, khách hàng nên tìm hiểu kỹ hợp đồng tín dụng, đến kỳ điều chỉnh cần thông báo cho ngân hàng quyền lợi của mình thay vì è cổ ra trả lãi.
Khách hàng cần chủ động
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết hiện nay mức lãi suất cho vay mua nhà phổ biến được các ngân hàng áp dụng từ 11%-13%/năm. Vay mua nhà thuộc khoản vay trung - dài hạn, ngân hàng được quyền thương lượng lãi suất với khách hàng. Do đó, với những khách hàng đang vay ngân hàng với lãi suất cao nên chủ động thỏa thuận với ngân hàng để được giảm lãi suất về mặt bằng chung của thị trường. Hiện khoản vay có mức lãi suất trên 15%/năm tại TP HCM chỉ chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng.
Bình luận (0)