Theo nhận định của các doanh nghiệp (DN), thị trường bất động sản (BĐS) có dấu hiệu ấm lên thời gian gần đây, thể hiện rõ qua việc nhiều dự án đã được bán ra nhanh chóng. Điển hình là các dự án của Phú Mỹ Hưng, Thanh Yến Land, N.HO, Hưng Thịnh…
Lo phải gánh thêm thuế
Tuy nhiên, theo Hiệp hội BĐS TP HCM (Horea), bức tranh tổng thể của thị trường BĐS vẫn còn ảm đạm, cần có “thuốc giải”. Nhiều DN lo ngại sắp tới, khi thực hiện Luật Đất đai 2013 và các chính sách điều chỉnh trong lĩnh vực BĐS, “tảng băng” hàng tồn kho càng dày thêm.
Theo đó, về quy định khung giá đất mới với mức tăng bình quân 2,4 lần mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ, các DN cho rằng chắc chắn tác động đến việc xây dựng bảng giá đất của các tỉnh, thành. Khi đó, nhà chung cư phải tính tiền sử dụng đất cao hơn mức cũ khoảng 15%; nhà trệt, biệt thự có thể cao hơn đến 50%-60%.
Bảng giá đất cao, các hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền sử dụng đất cao hơn đối với những trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận từ năm 2014 về trước. Khi đó, nhiều người không đủ khả năng tài chính, dẫn đến các giao dịch bằng giấy tay, phát sinh thị trường ngầm, làm giảm tính minh bạch của thị trường, phát sinh những tranh chấp và giảm nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, sắp tới, tiền sử dụng đất cũng là gánh nặng và là ẩn số mà DN không thể tiên lượng.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Lê Thành, cho biết thực tế, các chi phí của DN đều phân bổ vào giá thành. Nếu áp dụng khung giá đất mới ở mức cao hơn hiện tại, chắc chắn giá sản phẩm DN bán ra sẽ cao, người mua nhà phải gánh chịu.
“Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần cân nhắc khi ban hành bảng giá đất để phù hợp với thực tế thị trường ở từng địa phương. Về lâu dài, cần bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” và thay bằng sắc thuế với mức thuế nhất định (khoảng 10% hoặc 15% so với bảng giá đất). Như vậy vừa minh bạch vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin - cho” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, kiến nghị.
“Cởi trói” cho gói 30.000 tỉ đồng
Báo cáo từ Ngân hàng (NH) Nhà nước cho thấy từ đầu năm 2014 đến nay, tổng số tiền 5 NH đã cam kết cho vay theo gói tín dụng 30.000 tỉ đồng là 7.064 tỉ đồng, trong đó đã giải ngân 3.074 tỉ đồng. Theo ông Vũ Trung Tuyến, Vụ trưởng - Trưởng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS, tỉ lệ giải ngân gói 30.000 tỉ đồng đang tăng lên từng ngày. Nhiều yếu tố tác động nhằm thúc đẩy việc hấp thu gói tín dụng này đã được đưa ra. Tuy vậy, Horea cho rằng tiến độ giải ngân hiện rất chậm, trong khi thời hạn thực hiện sắp hết.
Nhằm tạo nguồn cung nhà giá trung bình cho thị trường và giải quyết khó khăn cho DN, Horea kiến nghị Chính phủ cho phép các DN kinh doanh dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc tổng giá bán căn hộ dưới 1,05 tỉ đồng đang xây dựng dở dang được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng để sớm hoàn thiện công trình, giao nhà cho khách hàng, góp phần giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu.
“Horea cũng đề nghị tăng thời hạn vay lên 20 năm thay vì 10 năm; cho phép thời gian ân hạn 3 năm đầu chưa phải trả lãi vay và vốn gốc nhằm tạo điều kiện tích lũy tài chính cho người mua nhà để trả nợ vay và trả lãi, tránh nợ xấu phát sinh. Đặc biệt, Horea kiến nghị Chính phủ xem xét giảm lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội về mức 3%-3,5%/năm thay vì 5%-6%. Bởi lẽ, đây là mức lãi vay phổ biến của các nước áp dụng cho người mua nhà ở xã hội” - ông Châu cho biết.
Ngân hàng Nhà nước vào cuộc
NH Nhà nước vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11 quy định cho vay hỗ trợ nhằm thực hiện Nghị quyết số 61 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà ở.
Theo đó, dự thảo bổ sung 2 đối tượng được vay từ nguồn tái cấp vốn của NH Nhà nước. Thay vì chỉ được vay vốn để mua, thuê nhà ở, các đối tượng thuộc diện ưu đãi còn được hỗ trợ vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở hiện tại.
Thời hạn vay tối đa là 10 năm. Mức cho vay không vượt quá 700 triệu đồng với điều kiện người vay phải cam kết có tối thiểu 30% chi phí. Ngoài ra, thay vì chỉ DN xây nhà xã hội hoặc nhà ở sinh viên, công nhân mới được vay vốn như hiện nay, dự thảo mới cho phép hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư, cải tạo hoặc xây mới nhà ở xã hội để cho thuê hoặc bán cũng có cơ hội tiếp cận vốn.
Dự thảo cũng mở rộng đối tượng được vay mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị.
Theo đó, khách hàng sẽ được mua bất cứ căn hộ nào, miễn giá trị hợp đồng mua bán không quá 1,05 tỉ đồng (thay vì diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 như quy định trước đây).
Thời hạn cho vay với cá nhân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại thay vì 10 năm nay tăng lên 15 năm.
Bình luận (0)