Một số địa phương cũng đã nới lỏng một số biện pháp giãn cách, đồng thời lên kế hoạch mở cửa đón khách du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Điều này không chỉ những người làm du lịch vui mừng mà những nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng cũng phấn khởi. Ông Minh (ngụ TP HCM) cho biết ông bị "mắc kẹt" hơn 20 lô đất ở Phú Quốc vì không kịp ra hàng trước khi đại dịch ập đến. "Trung bình mỗi lô (5 m x 16 m) trước đây tôi bán 650 triệu đồng nhưng vừa qua có khách quen trả giá 550 triệu đồng, tôi đồng ý bán nhưng chưa đi xem và làm thủ tục được. Tôi mong ngày nhà nước tháo giãn cách là tôi dẫn khách đi liền" - ông Long cho biết.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp chuyên môi giới bất động sản nghỉ dưỡng ở khu Phú Quốc cho biết công ty ông gần như không có giao dịch nào trong 4 - 5 tháng qua. Nhân viên không làm việc, chỉ tư vấn online cho khách quen chứ không có được hợp đồng nào ký kết. "Mặc dù dự án chúng tôi bán của chủ đầu tư uy tín nhưng vì giãn cách, không đi lại được cũng như sự đóng băng của ngành du lịch nên không mua bán được gì. Nghe tin Phú Quốc sắp đón khách du lịch trở lại, chúng tôi mừng lắm, chỉ chờ mở cửa hoàn toàn để được giao dịch trở lại" - vị tổng giám đốc này nói.
Một lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng nếu thị trường du lịch nghỉ dưỡng hồi sinh chắc chắn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ khởi sắc. Tuy nhiên, ngành du lịch cần thêm thời gian khi dịch bệnh được kiểm soát, dịch vụ, tiện ích du lịch được hoàn thiện nếu không sẽ rất khó thu hút khách. Bởi, đa số du khách khó chấp nhận những dịch vụ chưa hoàn thiện ở nơi họ đến và chi tiền. Khi đó, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đơn lẻ mới có hy vọng khởi sắc.
Bình luận (0)