Hai năm liên tiếp thị trường bất động sản (BĐS) và các doanh nghiệp (DN) BĐS gặp khó khăn vì nhiều dự án nhà ở bị ngưng trệ do vướng đất công, thủ tục pháp lý, nguồn vốn bị thu hẹp... khiến thị trường thiếu nguồn cung nghiêm trọng, nhiều DN âm thầm rút khỏi thị trường, thậm chí phá sản.
Kiệt quệ
Theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2019, lĩnh vực BĐS có số lượng DN tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 DN đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 DN giải thể, tăng 39,4% so với năm 2018.
Hội Môi giới Việt Nam xác nhận có nhiều DN phải dừng hoạt động, nhất là đơn vị môi giới vì không có nguồn hàng. Nhiều môi giới BĐS phải chuyển nghề vì không có hàng bán, vì sự cạnh tranh khốc liệt. Trò chuyện với phóng viên, tổng giám đốc một DN môi giới chuyên kinh doanh BĐS phân khúc cao cấp ở TP HCM chia sẻ: "Tôi không dám than cũng không kể khổ nhưng thực tế một thời gian dài chúng tôi không có dự án để bán mà vẫn nuôi gần 40 nhân viên sale (kinh doanh). Chi phí lương cơ bản mỗi tháng đã hơn 500 triệu đồng mà không thu lại được đồng nào thì chỉ còn cách ăn vào của để dành mà cũng không biết cầm cự được bao lâu. Nhân viên đã gắn bó với mình bao năm, nay khó khăn mình không nỡ sa thải họ nhưng gánh gồng chi phí mãi cũng khó nên hễ ai tự xin nghỉ là tôi thấy nhẹ nhõm vô cùng".
Cũng trong năm 2019, khi TP HCM không có nhiều dự án mới triển khai, không có quỹ đất mới để phát triển, không có sản phẩm để bán, nhiều chủ đầu tư, DN môi giới đã đua nhau chạy ra các địa phương khác tìm cơ hội kinh doanh. Họ rầm rộ triển khai nhiều dự án nhà ở chung cư, đất nền, nhà phố hay BĐS nghỉ dưỡng. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, số lượng sản phẩm được hấp thu không nhiều.
Năm 2019, hàng loạt DN bán dự án "ma" đổ vỡ như Alibaba, Angel Lina, Hưng Thịnh Phát... rồi vụ việc chủ đầu tư dự án condotel (căn hộ nghỉ dưỡng) Cocobay Đà Nẵng tuyên bố không thể trả mức lợi nhuận 12%/năm như cam kết khiến nhiều khách hàng, nhà đầu tư vỡ mộng, thậm chí mất niềm tin vào các phân khúc của thị trường BĐS. Hệ quả là DN, thị trường đã khó càng thêm khó.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), cho biết khó khăn của thị trường BĐS năm vừa qua còn khiến các DN xây dựng đã bị sụt giảm trên dưới 50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp trong năm 2019, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh hoặc thua lỗ. Các nhà sản xuất, cung cấp thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng cũng lao đao vì sản phẩm tiêu thụ chậm. Người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập. Các ngân hàng thương mại đứng trước rủi ro trong việc thu hồi nợ....
Khảo sát của một công ty chuyên môi giới nhà phố tại TP HCM cho thấy từ quý IV/2019 đến tháng 1-2020, giao dịch thị trường nhà đất, nhất là nhà phố đã giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do không có người mua. Đặc biệt, nhiều căn hộ mà công ty đang quản lý, sở hữu khi rao bán rất khó tìm người mua. "Thời điểm này khách hàng ký gửi bán ra nhiều hơn là mua vào" - DN này thông tin thêm.
Không chỉ mua bán nhà đất gặp khó mà hoạt động cho thuê mặt bằng kinh doanh cũng sụt giảm trầm trọng. Đặc biệt, từ sau khi Nghị định 100 xử phạt người uống rượu, bia tham gia giao thông khiến hàng quán ế ẩm, nhiều nơi dù chưa hết hạn hợp đồng nhưng người thuê vẫn thông báo trả mặt bằng. "Nếu tình trạng ảm đạm kéo dài, giá cho thuê mặt bằng kinh doanh sẽ giảm, thiết lập mặt bằng giá mới. Thực tế, ở một số nơi, giá cho thuê BĐS thương mại đã giảm 10%-20% so với 1 năm trước" - đại diện công ty này nhận định.
Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở Nha Trang - Khánh Hòa vừa lao đao vì vụ Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” lại gánh thêm cú sốc từ dịch nCoV
Thêm cú sốc nCoV
Bước sang năm 2020, khi hàng loạt khó khăn chưa tìm được hướng tháo gỡ thì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) lại bồi thêm một cú sốc lên thị trường BĐS. Lượng du khách sụt giảm ảnh hưởng trước tiên đến phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng. Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, chỉ ra 3 tác động trực tiếp mà dịch nCoV gây ra cho ngành du lịch Việt Nam.
Tác động đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong khi đây là thị trường nguồn khách lớn nhất đến nước ta, chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019. Các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển cũng sẽ chịu tình trạng tương tự, trong đó Nha Trang - Khánh Hòa dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện đang chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng số khách quốc tế đến khu vực, chiếm hơn 70% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019 theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa. Nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể lượng khách sự kiện, gặp mặt và khách DN tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.
Một DN đang triển khai dự án BĐS nghỉ dưỡng tại Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết từ sau vụ Cocobay Đà Nẵng "vỡ trận" khiến thị trường lao đao, chưa hồi phục, nay lại đến dịch nCoV. Các nhà đầu tư hầu như không còn chút quan tâm nào tới phân khúc nghỉ dưỡng lúc này. "BĐS nghỉ dưỡng có phát triển hay không phụ thuộc rất lớn từ sự phát triển của ngành du lịch. Nhưng tình hình dịch đang báo động toàn thế giới như thế này, chắc chắn BĐS du lịch đã buồn lại càng buồn hơn. Chi phí gia tăng khi mọi hoạt động đều bị đình trệ, dự án khó ra hàng... là thực tế mà chúng tôi đang và sẽ gánh chịu" - đại diện DN này phân tích.
Trong khi đó, một DN lớn ở TP HCM cũng vừa phải hủy kế hoạch đưa khách hàng đi Nha Trang tổ chức công bố dự án nghỉ dưỡng vì có đi cũng không ai dám tới chỗ đông người vào thời điểm này. "Dịch bệnh lây nhiễm khiến cho người dân lo lắng. Họ không còn tâm trí nhiều cho BĐS, cộng với thời điểm sau Tết khiến cho thị trường càng ảm đạm hơn. Mặc dù chưa xác định thiệt hại từ việc kinh doanh nhưng việc đình trệ này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, hoạt động kinh doanh về sau" - DN này lo lắng.
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các sự kiện liên quan đến BĐS dự kiến diễn ra sau Tết đều bị hoãn hoặc hủy bỏ để phòng ngừa dịch nCoV nhưng quan trọng hơn là rất nhiều nhà đầu tư, khách hàng không còn tâm trí để tìm hiểu hay mua bán nhà đất lúc này. Bà Hương Nguyễn, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, thừa nhận sự nguy hiểm của nCoV đã ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, nhà đầu tư nên việc "cố thủ", chịu đựng của DN, các sàn và nhân viên môi giới qua mùa dịch là thực tế. Tuy vậy, nếu DN có giải pháp kinh doanh tốt, nhất là sử dụng các công nghệ, cách hình thức tiếp cận khách hàng hiện đại hơn chắc chắn sẽ giảm áp lực về tiến độ kinh doanh.
Vẫn có nhiều cơ hội
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, nhận định: "Năm 2020 tiếp tục là một năm nhiều thách thức với thị trường do vấn đề chậm cấp phép vẫn tiếp diễn và tín dụng vào BĐS tiếp tục thắt chặt. Người mua nhà sẽ gặp khó khăn hơn, không phải vì họ không có đủ tiền mua nhà mà vì họ không có nhiều lựa chọn. Tuy vậy, đây sẽ là một năm thuận lợi cho những chủ đầu tư có được giấy phép chào bán do họ có thể tăng giá bán và do đó tăng lợi nhuận đầu tư".
Ở góc nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS Vina Office (VNO), cho rằng khó khăn cũng là cơ hội để thị trường minh bạch hơn, chủ đầu tư sẽ có thời gian xem xét lại định hướng, cách làm cũng chỉn chu hơn. Các cơ quan quản lý sẽ thận trọng hơn khi đặt bút ký văn bản quy hoạch, phê duyệt dự án. Thị trường như hiện nay còn là cơ hội cho những người có nhu cầu mua nhà để ở, chọn lọc nhà đầu tư thứ cấp và có kiến thức hơn. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm để các ngành sản xuất khác phát triển vì ngành ngân hàng sẽ ưu tiên dịch chuyển vốn qua sản xuất và các ngành khác.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-2
Bình luận (0)