Theo nguồn tin của Pháp Luật TP HCM, Bộ Tài chính đã chuyển hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế tài nguyên và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để Bộ Tư pháp thẩm định trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét trình Quốc hội vào năm 2018.
Gây áp lực lên đời sống
Dự thảo mới đã có chỉnh sửa, bổ sung, giải trình thêm một số nội dung. Nhưng Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm tăng thuế VAT phổ thông từ 10% lên 12% và tăng theo lộ trình, mỗi năm tăng thêm 1% cho tới khi bằng 12%.
Trước đề xuất này, nhiều bộ, ngành đã có các ý kiến trái chiều. Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước... đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính thì ngược lại, nhiều bộ lại đề nghị xem xét, cân nhắc việc tăng thuế VAT lên 12%.
Đơn cử, Bộ KH&ĐT lo ngại việc thay đổi chính sách thuế của Bộ Tài chính chỉ hướng tới huy động nguồn thu ngân sách nhà nước mà chưa tính đến chính sách thuế phải tạo động lực cho phát triển kinh tế, tạo điều kiện để phát triển DN, đóng góp nhiều hơn nữa nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
“Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc tăng thuế suất thuế VAT lên 12% sẽ gây tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP giảm 0,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,28%. Do vậy, đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc việc đề xuất điều chỉnh thuế VAT trong giai đoạn hiện nay” - Bộ KH&ĐT nêu rõ.
Nếu tăng thuế chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối, bởi tăng thuế đặc biệt, tăng thuế VAT sẽ tác động nhiều tới người nghèo. Ảnh: HTD
Còn phiến diện, chưa thuyết phục
Đáp lại, Bộ Tài chính cho rằng các loại thuế gián thu đều có tính chất lũy thoái so với thu nhập. Nghĩa là người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp đều phải trả một khoản thuế như nhau khi tiêu dùng cùng một loại hàng hóa, dịch vụ.
Do vậy, khi tính tỉ lệ điều tiết thuế/thu nhập thì người có thu nhập thấp có tỉ lệ cao hơn so với người có thu nhập cao. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng này còn phụ thuộc vào hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng.
“Điều này có nghĩa là nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế VAT thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất thuế VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo” - Bộ Tài chính lý giải.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh: Việc tăng thuế VAT từ mức 10% lên mức 12% có thể tác động đến chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp. Tuy nhiên, đối với những hộ có thu nhập thấp dễ bị tổn thương thì cần có những giải pháp hỗ trợ về an sinh, xã hội như chi cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng... để đem lại lợi ích nhiều hơn cho người nghèo.
Tuy nhiên, theo TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, Bộ Tài chính cho rằng thuế VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo là còn phiến diện, chưa thuyết phục. Bởi thuế VAT có tính “lũy thoái”. Người thu nhập thấp phải dành một tỉ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỉ trọng cao hơn so với thu nhập.
“Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn so với người có thu nhập cao. Do vậy, khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng” - TS Long nhấn mạnh.
Không nên tăng thuế với cà phê, trà
Theo dự thảo mới này, Bộ Tài chính tiếp tục giữ quan điểm áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng trà và cà phê uống liền. Mục tiêu chính là để giảm tình trạng béo phì.
Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Vinacafé cho rằng việc tính thuế TTĐB đối với mặt hàng cà phê sản xuất dây chuyền công nghiệp là không hợp lý. Đặc biệt, sản phẩm cà phê là thức uống phổ thông với người Việt, là nhu cầu bình thường của người dân, có tác dụng tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng ở mức độ bình thường đúng liều lượng và đã tạo thành văn hóa của người Việt.
Đồng quan điểm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhìn nhận: Thuế nước ngọt ảnh hưởng lớn đến các DN và người nông dân. Theo cách đánh thuế đề xuất của Bộ Tài chính, không chỉ các DN sản xuất nước giải khát, mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng mà có thể ảnh hưởng cả các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả sữa.
Do đó, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng Bộ Tài chính đứng trước sức ép phải có đủ nguồn thu để đảm bảo chi và tăng thuế trở thành một giải pháp. Thế nhưng nếu không giải quyết cái gốc của vấn đề nằm ở chi tiêu không hiệu quả, tham nhũng, lãng phí, đầu tư sai... thì dù có tăng mạnh thuế, thu ngân sách dù có phình to ra cũng khó mà đảm bảo được cân đối ngân sách nhà nước.
Người dân phải căng mình đóng thuế
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định nếu tăng thuế chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối. Bởi nếu tăng thuế, đặc biệt tăng thuế VAT, sẽ tác động nhiều tới người nghèo. Điều này không phù hợp với tinh thần của Chính phủ là kích thích tiêu dùng, đảm bảo tăng trưởng. Mức thuế, phí hiện nay của chúng ta so với thu nhập đã quá cao rồi. Nếu thu nữa bằng biện pháp tăng thuế thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và DN.
Đặc biệt, khi DN gặp khó khăn do thuế tăng lên thì không thể cạnh tranh, thua trên sân nhà, phá sản, không tạo ra công ăn việc làm, không nộp thuế cho ngân sách được nữa.
Nhà nước kiến tạo là một nhà nước phải hiệu quả, giúp cho đời sống của người dân dễ chịu hơn, hoạt động kinh doanh của các DN dễ dàng hơn chứ không phải ngày càng tạo thêm gánh nặng cho người dân và DN, nhất là những người có vị thế bất lợi hơn trong xã hội.
"Trong một nền kinh tế khó khăn, chúng ta cần khoan sức dân để làm kế bền gốc, đó là thượng sách tạo động lực cho sự phát triển bền vững, chúng ta không nên chọn phương án khiến người dân phải thêm căng mình đóng thuế" - TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Thuế còn thấp nên phải tăng
Theo Bộ Tài chính, mức thuế VAT của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực, do vậy cần phải điều chỉnh. Thế nhưng số liệu thống kê cho thấy thực tế hiện tại các nước trong khu vực, thuế VAT đang dao động 6%-12%. Trong đó Malaysia là 6%; Thái Lan, Singapore là 7%; Lào, Campuchia và Indonesia cùng là 10%; riêng Philippines là 12%. Tại một số nền kinh tế châu Á khác, Đài Loan đang đánh thuế VAT 5%, Nhật Bản 8%, Hàn Quốc 10%.
Xét về tỉ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách. Trong khi đó, với mức thuế suất trung bình EU cao hơn hẳn Việt Nam, VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước này.
Bình luận (0)