Đầu tháng 11-2011, biển động, tàu thuyền ít ra khơi, năng suất đánh bắt thấp nhưng hằng ngày, thương lái Trung Quốc (TQ) vẫn tấp nập đến các cảng cá ở khu vực Nam Trung Bộ như Hòn Rớ, Vĩnh Lương (TP Nha Trang), Đá Bạc (TP Cam Ranh – Khánh Hòa)… để thu mua các loại thủy sản.
Thu mua tất tần tật
Vĩnh Lương là cảng cá chuyên dành cho tàu thuyền giã cào. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Ban Quản lý cảng cá Vĩnh Lương, cảng có khoảng 200 tàu thuyền giã cào nhưng những ngày qua, do biển động nên mỗi ngày chỉ có chừng vài chục chiếc về bến. 15 giờ, tàu thuyền bắt đầu cập cảng. Những sọt cá vừa chuyển xuống, hoạt động mua bán đã diễn ra tấp nập. Mỗi thương lái TQ đều có tàu thuyền “bạn hàng” nên cứ đợi đúng chiếc vào là nhào đến...
Ông Lâm Tất Cường, người Phúc Kiến, là thương lái TQ hiếm hoi nói khá sõi tiếng Việt. “Cá hôm nay ít nên phải mua mắc hơn những ngày trước”- ông Cường cho biết. Theo ông Cường, thủy sản thu mua xong sẽ được thương lái thuê doanh nghiệp (DN) địa phương gia công sơ chế, sau đó cho đông lạnh rồi xuất sang TQ.
Một trong những loại thủy sản được thương lái TQ ưa chuộng là cá hố. Những con cá hố nhỏ bằng 2 ngón tay được khai thác từ giã cào nên bầm dập, không còn tươi, trước đây chỉ làm thức ăn cho tôm hùm thì nay có giá đến 45.000 đồng/kg. Cá sơn thóc cùng kích cỡ cũng được thương lái TQ thu gom với giá cao - 42.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Tuyết, 48 tuổi, đang đợi tàu nhà trở về cảng, khoe: “Từ ngày có người TQ qua mua thủy sản, dân đi biển cũng đỡ lắm. Loại gì họ cũng mua, giá lại cao”.
Tuy nhiên, theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, sự tấp nập bất thường của thương lái TQ hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Họ mua giá cao dù trước mắt có lợi cho ngư dân nhưng một khi nắm bắt được thị trường, có gì bảo đảm họ không quay lại ép giá? Tình trạng này đã từng xảy ra ở nhiều mặt hàng khác”- ông Lăng băn khoăn.
Khó lòng chống đỡ!
Trong đợt khảo sát các DN thủy sản miền Trung vừa qua của Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhiều DN Khánh Hòa đã phản ánh tình trạng cạnh tranh gay gắt về nguyên liệu với thương lái TQ. Ông Phạm Xuân Nam, Giám đốc Công ty CP Đại Thuận, DN chuyên chế biến cá đuối xuất khẩu ở Nha Trang, cho biết vài tháng qua, công ty của ông đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu. “Thương lái TQ đang dần thao túng thị trường nguyên liệu, chúng tôi khó lòng chống đỡ”- ông Nam lo lắng.
DNTN Phước Thọ - Nha Trang cũng đang gặp khó khăn trong khâu thu mua cá nóc để chế biến, xuất khẩu sang Hàn Quốc. Theo ông Võ Thiên Lăng, đối tác của DN này chỉ thu mua 3 loại cá nóc không độc, trong khi thương lái TQ lại mua hơn 20 loại không độc lẫn có độc nên ngư dân luôn muốn bán cho thương lái TQ.
Điều mà các cơ quan chức năng lo lắng hơn là việc thương lái TQ hoành hành sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch thủy sản. Cũng như các địa phương ven biển, Khánh Hòa đang nỗ lực hạn chế nghề giã cào vì lo ngại nghề này sẽ khai thác cạn kiệt nguồn thủy sản ven bờ. Tuy nhiên, thực tế chuyển nghề của ngư dân thì ngược lại. Khánh Hòa hiện có 949 tàu thuyền hành nghề giã cào, trong đó có đến 274 tàu công suất trên 90CV vốn ra khơi đánh bắt nhưng do giã cào có thu nhập cao nên đã chuyển nghề hoặc làm cả hai.
Bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết với giá cá tạp được thương lái TQ mua cao như hiện nay, tàu thuyền giã cào của gia đình bà đi biển 2 ngày 2 đêm được khoảng 1 tấn cá, bán được trên 40 triệu đồng, lợi hơn nhiều so với đánh bắt xa bờ. Nhiều ngư dân Khánh Hòa cũng đã chuyển sang giã cào như bà Tuyết.
“Chúng tôi rất lo lắng trước nguy cơ nguồn thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt. So với 5 năm trước, nguồn lợi này của Khánh Hòa đã giảm hơn một nửa”- ông Võ Khắc Én, Trưởng Phòng Quản lý, Khai thác nguồn lợi và Môi trường thủy sản - Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, e ngại.
Không để làm ăn chụp giật “Nhìn tổng thể, việc thu mua của thương lái TQ sẽ không có lợi cho ngành thủy sản Việt Nam”- ông Võ Thiên Lăng khẳng định. Theo ông Lăng, trước tình hình thương lái TQ thu gom thủy sản, để tồn tại và ổn định, các DN thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản trong nước cần bắt tay để tìm ra giải pháp thích hợp. “Theo tôi, nếu DN trong nước thống nhất không làm thuê, gia công sơ chế cho người nước ngoài thì rõ ràng, khó có thương lái nước ngoài nào vào đây làm ăn chụp giật được”- ông Lăng nhìn nhận. |
Bình luận (0)