Theo quy định, tại đại cổ đông dự kiến tổ chức vào ngày 26-5, các cổ đông Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sẽ tiến hành bãi nhiệm HĐQT cũ, bỏ phiếu thông qua số lượng, bầu chọn thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) mới.
Không có đại diện cổ đông
Một thành viên HĐQT Sacombank cho biết nhiệm kỳ của HĐQT 2011- 2015 đã hết thời nhiệm vào cuối năm 2015 và dự kiến đại hội cổ đông năm 2016 sẽ bầu HĐQT nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, do sau khi nhận sáp nhập NH Phương Nam, Sacombank phải giải quyết một số vấn đề tồn đọng, thực hiện tái cơ cấu NH nên năm 2016 không tổ chức đại hội cổ đông. Do đó, ngày 26-5 tới đây, Sacombank dự kiến tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2015 - 2016, trong đó có việc bầu chọn HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021.
Do năm 2016 không tổ chức đại hội cổ đông nên Sacombank dự kiến tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2015-2016 vào ngày 26-5, trong đó có việc bầu chọn thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới
Theo ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, giữa tháng 3- 2017, NH đã thông báo cho cổ đông về việc đề cử, ứng cử dự kiến 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới (2017-2021) với thời hạn chót vào ngày 10-4. Thế nhưng, khi hết thời hạn, Sacombank không nhận được bất kỳ hồ sơ đề cử, ứng cử nào từ cổ đông hoặc nhóm cổ đông. Vì thế, theo quy định của luật pháp và điều lệ Sacombank, HĐQT đương nhiệm được phép đề cử 7 ứng cử viên HĐQT gồm các ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca, nguyên Phó chủ tịch HĐQT NH Liên Việt, Kiều Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT Sacombank, Nguyễn Miên Tuấn - Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, Nguyễn Văn Cựu - thành viên độc lập HĐQT Sacombank , Nguyễn Xuân Vũ - Phó Tổng giám đốc Sacombank, Phạm Văn Phong - Giám đốc Vietcombank chi nhánh Đắk Lắk, bà Nguyễn Thị Bích Hồng (ứng cử viên thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ mới) - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Liên Việt và danh sách này phải được NH Nhà nước chấp thuận.
Như vậy, danh sách ứng cử viên có 4 người là lãnh đạo cấp cao của Sacombank, trong đó 3 ứng cử viên là thành viên HĐQT đương nhiệm, bao gồm các ông Kiều Hữu Dũng, Nguyễn Miên Tuấn, Nguyễn Văn Cựu. Ba ứng cử viên còn lại đến từ các tổ chức khác.
Tuy nhiên, điều làm cho nhiều người bất ngờ là trong số các ứng cử viên này không có ai đại diện cho nhóm cổ đông nắm giữ ít nhất 10% cổ phần Sacombank - một điều kiện tiên quyết để ứng cử vào HĐQT.
Hơn 2.000 tỉ đồng mua được 10% cổ phần
Sau khi ông Trầm Bê và người có liên quan ủy quyền toàn bộ số cổ phần Sacombank cho NH Nhà nước, đồng thời ông Bê và ông Trầm Khải Hòa (con trai ông Bê) thôi chức danh thành viên HĐQT, chấm dứt vai trò quản trị điều hành tại Sacombank, một số nhà đầu tư ngỏ ý NH Nhà nước hỗ trợ họ mua cổ phần Sacombank với số lượng lớn, đồng thời lãnh đạo của Sacombank cũng mua cổ phần NH này để trở thành cổ đông đã thể hiện sự tham gia tái cơ cấu hoạt động NH này dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước
Cụ thể, đầu tháng 3-2017, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank mua 300.000 cổ phần. Ông Nguyễn Văn Cựu, thành viên độc lập HĐQT Sacombank cũng mua 500.000 cổ phần. Trước các giao dịch này, ông Dũng và ông Cựu không nắm giữ cổ phần Sacombank.
Trong khi đó, Nova Group lại từ bỏ ý định mua 20% cổ phần để tham gia tái cơ cấu Sacombank. Còn ông Đặng Văn Thành (người đã từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Sacombank cách đây 5 năm) và nhóm tổ chức nước ngoài Evercore Group, Redsun Capital Limited cũng rút lui thiện chí bổ sung vốn điều lệ 20.600 tỉ đồng nhằm hỗ trợ tái cơ cấu Sacombank
Theo quy định, cá nhân hay tổ chức muốn ứng cử HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021, tham gia quản trị điều hành Sacobank phải được nhóm cổ đông ủy quyền ít nhất 10% cổ phần hoặc cách đây trên 6 tháng, họ phải mua 10% cổ phần thông qua khớp lệnh trên sàn, từ các cổ đông lớn của Sacombank. Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay, Eximbank chào bán toàn bộ số cổ phần tại Sacombank nhưng không thấy tổ chức, cá nhân nào mua. Do đó, một số cá nhân, tổ chức chưa nắm giữ cổ phần Sacombank từ bỏ ý định tham gia tái cơ cấu Sacombank là điều dễ hiểu.
Giới phân tích cho rằng cơ cấu cổ đông Sacombank hiện khá đơn giản. NH Nhà nước được cho là cổ đông lớn nhất với hơn 50% cổ phần do ông Trầm Bê ủy quyền. NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nắm giữ 8,76% cổ phần. Một số NH, tổ chức mỗi đơn vị sở hữu 2%-3% cổ phần. Số cổ phần còn lại do nhà đầu tư nhỏ lẻ trong và ngoài nước nắm giữ. Trong khi đó, điều lệ hoạt động của Sacombank cho phép cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu 10% vốn cổ phần trong thời hạn ít nhất 6 tháng được quyền đề cử người vào HĐQT. Tuy nhiên, do các nhóm cổ đông không đủ điều kiện, hoặc không muốn đề cử, ứng cử người vào HĐQT nhiệm kỳ mới, buộc HĐQT đương nhiệm phải đề cử người khác.
Nhiều ý kiến cho rằng để có được điều kiện tiên quyết ứng cử vào HĐQT Sacombank không đơn giản. Bởi với số vốn điều lệ hơn 18.000 tỉ đồng, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, nhà đầu tư phải bỏ ra 1.800 tỉ đồng mới sở hữu được 10% cổ phần Sacombank. "Còn nếu mua trên sàn với giá 12.450 đồng/cổ phần (ngày 27-4) thì phải có trên 2.000 tỉ đồng là tiền tươi thóc thật. Tiền đâu?” - một cổ đông Sacombank nói.
BOX: Xử lý nợ xấu mất 5-6 năm
Không ít nhà đầu tư chứng khoán đặt giả thiết đại hội cổ đông sắp tới chốt số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 là 7 người thì người nắm giữ 10% cổ phần Sacombank phải chờ 5 năm nữa mới có cơ hội ứng cử vào HĐQT. Đó là chưa kể từ nay cho đến năm 2021, họ có được hưởng cổ tức hay không, nhất là khi Chủ tịch HĐQT Kiều Hữu Dũng nói với báo giới rằng Sacombank phải mất 5-6 năm mới xử lý xong các vấn đề liên quan đến nợ xấu, đề xuất NH Nhà nước cho phép Sacombank dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro trong 8-10 năm.
Bình luận (0)