Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCGL, mã chứng khoán QCG) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) giải trình về việc thiếu sót, không công bố thông tin về "những giao dịch bất thường" liên quan đến góp, thoái vốn tại QCGL diễn ra từ năm 2013-2017.
Chưa có tiền lệ
Người đứng tên giải trình là bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc QCGL, thừa nhận trong thời gian từ ngày 24-1-2013 đến 26-8-2017, QCGL đã thực hiện 14 giao dịch chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng vốn tại các công ty với tổng giá trị các giao dịch gần 3.280 tỉ đồng nhưng không công bố nội dung các nghị quyết liên quan đến chủ trương triển khai. Cũng như không công bố thông tin kịp thời khi giao dịch xong.
Bà Loan lý giải do trong khoảng thời gian đó, công ty liên tục thay đổi nhân sự thư ký quản trị doanh nghiệp nên việc cập nhật các quy định quản trị còn hạn chế, hiểu chưa đúng về nội dung và thời hạn công bố thông tin, dẫn tới thiếu sót khi không công bố thông tin kịp thời mà chỉ ghi nhận kết quả các giao dịch trong báo cáo tài chính định kỳ khi hoàn tất thương vụ. Tuy nhiên, theo bà Loan, mục tiêu cuối cùng của QCGL là để đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận, mang đến kết quả tốt nhất cho công ty và cổ đông, cũng như để bảo đảm cam kết bảo mật thông tin với đối tác, khách hàng trong các thỏa thuận hợp đồng.
Trước đó, QCGL đã có giải trình về các khoản nợ phải trả lên đến 8.400 tỉ đồng và những giao dịch lòng vòng của mình với Công ty Giai Việt và một số giao dịch bất thường khác. Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà đầu tư lẫn cổ đông của QCGL đều không đồng tình với những giải thích của bà Loan.
Một lãnh đạo HoSE khẳng định việc QCGL không công bố thông tin của khoảng 14 giao dịch mua bán với tổng giá trị lên tới trên 3.200 tỉ đồng trong thời gian dài là vi phạm quy định về công bố thông tin với doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, thông thường, nếu doanh nghiệp vi phạm trong một năm thì HoSE đã ra quyết định xử lý nhưng vì QCGL vi phạm kéo dài nhiều năm, chưa có tiền lệ nên HoSE sẽ tổng hợp báo cáo chi tiết gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để xin ý kiến cụ thể. "Nhưng trước mắt, chúng tôi sẽ có cảnh báo toàn thị trường với trường hợp này. Còn lại phải chờ chỉ đạo và hướng xử lý cấp trên mới có thể tiến hành xử phạt. Mức phạt như thế nào tùy vào xem xét của UBCKNN" - vị này chia sẻ và cho biết theo quy định nếu doanh nghiệp vi phạm một, hai lỗi về công bố thông tin như trên mỗi lần sẽ bị phạt từ 30-60 triệu đồng tùy theo tính chất vụ việc…
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo của UBCKNN cho biết đã nắm được thông tin cơ bản về những vi phạm của QCGL. "Chúng tôi sẽ làm việc với HoSE để có hướng xử lý vi phạm của doanh nghiệp tùy theo mức độ. Giai đoạn này rất nhạy cảm vì doanh nghiệp cũng có cái khó riêng nên chúng tôi không nói trước nếu chưa có kết quả kiểm tra cụ thể" - vị này nhấn mạnh.
Quốc Cường Gia Lai là một doanh nghiệp bất động sản khá tiếng tăm trên thị trường. Trong ảnh: Một dự án chung cư của Quốc Cường Gia Lai ở quận 7, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Cần điều tra
Trong khi đó, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng có thể lý do không công bố thông tin mà chủ tịch HĐQT của QCGL đưa ra là thật nhưng thực tế thị trường tài chính, chứng khoán là thị trường có tổ chức cao, khi đã tham gia thì các thành viên đều phải tuân thủ quy định. Các sở giao dịch chứng khoán đều có quy định, quy chế công bố thông tin chặt chẽ và đã được cụ thể hóa từng trường hợp. Các quy định này được đặt ra là để bảo vệ cổ đông nhỏ, giám sát quản trị điều hành doanh nghiệp niêm yết tốt hơn, chứ không thể hành động theo cá nhân. Nếu không, các nhà đầu tư sẽ cho rằng họ bị coi thường và cân nhắc không tham gia đầu tư vào cổ phiếu đó nữa, dẫn tới thanh khoản sụt giảm, doanh nghiệp không thể huy động được vốn.
Tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín (thành viên của Đoàn Luật sư TP HCM và giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP HCM) nhận định việc QCGL giấu thông tin giao dịch hàng ngàn tỉ đồng trong thời gian dài là vi phạm quy định của Luật Chứng khoán. Cơ quan quản lý các cấp cần vào cuộc xem xét hành vi vi phạm này ở mức độ nào? Có để lại hậu quả nghiêm trọng hay không? Tác động đến cổ đông nhỏ và những người không được cung cấp thông tin tại thời điểm đó ra sao? Đặc biệt, có ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế và đến chủ thể liên quan không? "Ngoài ra, cần xem xét nếu vượt quá mức độ xử phạt vi phạm hành chính có thể xem xét trách nhiệm hình sự" - ông Tín nhận định.
Tương tự, tổng giám đốc một công ty chứng khoán trên thị trường đề nghị thanh tra UBCKNN cần thiết phải điều tra, làm rõ các giao dịch bất thường của QCGL có mâu thuẫn quyền lợi hay không. "Nếu xét thấy có dấu hiệu trục lợi có thể phải truy cứu trách nhiệm hình sự" - vị này nói.
Bình luận (0)