Câu chuyện độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia, chênh lệch giá vàng cao kỷ lục... đã làm nóng nghị trường Quốc hội tuần qua khi nhiều đại biểu thay nhau chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng. Nội dung chất vấn cũng thu hút dư luận bởi đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được cơ quan quản lý giải thích rõ ràng.
"Đi ngược" thế giới
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhận định thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước thời gian qua diễn biến không bình thường. Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường này có rất nhiều điểm bất ổn, bất hợp lý, đặc biệt là chênh lệch quá cao về giá vàng tại Việt Nam với giá vàng trên thị trường thế giới, có lúc lên đến trên 20 triệu đồng/lượng.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy dùng từ "chênh lệch quá khắc nghiệt" để nói về giá giữa vàng miếng SJC với vàng trang sức SJC cùng hàm lượng hoặc với giá vàng miếng của các thương hiệu khác. Theo bà Thủy, việc này gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và làm gia tăng lạm phát.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt vấn đề NHNN đã thanh tra, kiểm tra yếu tố hình thành giá khi giá vàng miếng biến động bất thường hay chưa? Đại biểu này cũng chất vấn việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia - SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay hay không? Bởi theo dẫn chứng của bà Thủy, cũng là vàng miếng, cũng đúc như thế nhưng nếu không phải là thương hiệu SJC thì hiện nay giá trên thị trường chỉ khoảng 54,5 triệu đồng/lượng, chênh với vàng SJC đến 15 triệu đồng.
"Liệu có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không? Đến thời điểm nào thì NHNN sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để có thể xử lý một cách căn cơ các vấn đề bất cập của hoạt động kinh doanh vàng trong suốt thời gian qua?" - đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu vấn đề.
Cho rằng Việt Nam là nước duy nhất "đi ngược" với thế giới, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đặt vấn đề liệu đằng sau việc giá vàng "đi ngược" với thế giới có làm lợi cho tổ chức hay doanh nghiệp nào hay không?
Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến chênh lệch giá vàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế rất phức tạp và khó lường, chịu tác động của nhiều yếu tố. Có thời điểm giá vàng tăng rất cao nhưng có lúc lại hạ rất thấp. Ở Việt Nam, giá vàng có cùng xu hướng với thế giới, tuy nhiên tốc độ điều chỉnh tăng thì nhanh hơn, còn tốc độ điều chỉnh xuống thì chậm hơn.
Chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng này, Thống đốc NHNN cho biết do nguồn cung vàng miếng trong nước giảm đi, biến động giá vàng thế giới khiến bản thân các doanh nghiệp vàng miếng trong nước lo ngại rủi ro, do đó niêm yết giá khá cao. Với vai trò quản lý nhà nước, Thống đốc NHNN khẳng định sẽ sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được thì người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, NHNN chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới nhập khẩu vàng để can thiệp.
Tình trạng chênh lệch giá vàng miếng SJC với vàng thế giới nhiều năm qua đến nay vẫn chưa được giải quyết.Ảnh: Tấn Thạnh
Ai hưởng lợi?
Đem câu chuyện về thị trường vàng trao đổi với một số chủ tiệm vàng ở TP HCM, hầu hết đều cho biết 10 năm qua, NHNN không nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và vàng trang sức nên lượng vàng kinh doanh trong nước rất hạn chế. Do đó, vào những thời điểm sức mua tăng đột biến, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cỡ lớn đã chớp thời cơ tăng mạnh giá vàng miếng tới hàng triệu đồng mỗi lượng.
Trong khi đó, các tiệm vàng không có nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn, vàng nữ trang, buộc phải mua vàng nguyên liệu theo đường tiểu ngạch. Từ đó, tình trạng nhập lậu vàng tăng. Cụ thể, hồi cuối tháng 1-2022, Công an Tây Ninh đã bắt giữ một số đối tượng nhập lậu 56 kg vàng thỏi và 84 miếng vàng.
Ông Chính, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang ở khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM), thừa nhận các tiệm vàng thường phải mua vàng nguyên liệu không rõ nguồn gốc với giá cao hơn giá thế giới khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng để chế tác. Vì vậy, giá vàng nữ trang cũng thường cao hơn giá vàng thế giới 1-2 triệu đồng/lượng chứ không riêng gì vàng miếng SJC. Thậm chí, một số đơn vị phải sử dụng vàng miếng SJC để sản xuất vàng nhẫn, vàng nữ trang, sau đó bán ra thị trường với giá ngang bằng giá vàng miếng SJC. Điều này làm cho lượng vàng miếng SJC lưu thông ngày càng ít, tạo điều kiện cho một số đối tượng "thổi" mạnh giá vàng SJC khi thị trường biến động mạnh.
Theo ông Chính, với vàng miếng SJC, 10 năm qua, NHNN không sản xuất thêm nên số lượng vàng miếng được dập từ hàng chục năm trước cứ "chạy" lòng vòng trên thị trường. Đồng thời, phần lớn các tiệm vàng bị cấm mua bán vàng miếng nên khi có khách hỏi mua số lượng lớn, chủ tiệm phải đặt hàng các đầu mối được phép kinh doanh vàng miếng với giá cao. Các đầu mối này tiếp tục đặt mua của những doanh nghiệp đang nắm giữ số lượng lớn vàng miếng và phải chấp nhận mức giá do các đơn vị này đưa ra.
"Cứ thế, giá vàng SJC ngày càng tăng và cao hơn rất nhiều so với giá thế giới. Người được hưởng lợi nhiều nhất là những đầu nậu tích trữ số lượng lớn vàng miếng SJC với giá thấp. Cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn biết chuyện này nhưng nhiều năm qua chưa có động thái can thiệp" - ông Chính băn khoăn.
Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải cho rằng giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới hàng chục triệu đồng/lượng là bất hợp lý. Nguyên nhân chủ yếu là do không cân xứng cung - cầu khi thị trường vàng trong nước và thế giới không liên thông.
Theo ông Hải, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012 đã trao quyền cho NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng SJC. Còn việc phân phối lại giao cho 2.000 điểm bán trên cả nước với giấy phép kinh doanh đặc biệt. Chính điều này đã làm thị trường vàng miếng cạnh tranh không hoàn hảo, giá cả bị méo mó.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Huỳnh Trung Khánh cũng cho rằng chính việc nhiều năm qua, Việt Nam không nhập khẩu vàng dẫn đến nguồn cung trong nước khan hiếm, lượng vàng miếng SJC lưu thông không được bổ sung dẫn đến tình trạng giá vàng tăng cao khi người mua nhiều hơn bán.
Nhà nước thất thu thuế
Theo chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), diễn biến trên thị trường vàng gần đây buộc người tiêu dùng và nhà đầu tư phải mua với giá rất cao, tăng nguy cơ nhập lậu vàng từ nước ngoài và nhà nước thất thu thuế.
"Không thể phủ nhận Nghị định 24 đã góp phần chống "vàng hóa" nền kinh tế, song quy định về độc quyền sản xuất vàng miếng ít nhiều đã không còn phù hợp" - ông Thịnh nhận xét.
Bình luận (0)