Trong báo cáo thường niên vừa được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã CK: HAG) công bố, Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức đã trải lòng với cổ đông, nhà đầu tư xung quanh những khó khăn của doanh nghiệp này trong thời gian qua.
“Đối với HAGL, năm 2015 là một năm đầy khó khăn và thử thách. Chúng tôi thật sự cần có đủ thời gian và cần sự kiên nhẫn của cổ đông và nhà đầu tư” - bầu Đức viết trong thư gửi cổ đông và nhà đầu tư.
Năm 2015, bầu Đức cho biết với một công ty sở hữu diện tích trồng cao su, cọ dầu rất lớn nhưng khi giá cao su và dầu cọ giảm quá thấp đã trực tiếp tác động xấu đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của HAGL.
Cụ thể, chi phí sản xuất trung bình mỗi tấn mủ cao su của HAGL trong năm 2015 khoảng 35 triệu đồng (đã bao gồm chi phí lãi vay và khấu hao), nhưng do giá giảm sâu khiến ngay cả những nông trường có chi phí thấp nhất và năng suất cao cũng khó có thể hòa vốn. Sự sụt giảm quá sâu của giá cao su từ đỉnh 5.750 USD/tấn trong tháng 2-2011 xuống khoảng 1.000 USD/tấn và hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, kinh doanh bò, trong năm ngoái tập đoàn này tiêu thụ được 66.337 con bò, mang lại doanh thu 2.541 tỉ đồng, chiếm 41% doanh thu. Nhưng đối với ngành chăn nuôi, do ảnh hưởng không thuận lợi của thời tiết đến đồng cỏ nên lượng bò tiêu thụ và lợi nhuận biên cũng không đạt như kỳ vọng.
Ngay dự án khu phức hợp bất động sản tại Myanmar, việc đưa vào vận hành kinh doanh khối văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao chậm hơn kế hoạch do khó khăn về nguồn nhân công và vật tư nhập khẩu của nước này để thực hiện khâu hoàn thiện…
Ông Đức cho biết điểm sáng duy nhất của HAGL năm vừa qua là ngành sản xuất mía đường vẫn duy trì được năng suất và sản lượng, đạt doanh thu như kế hoạch. “Năm 2015 là năm khó khăn đối với HAGL khi hầu hết các chỉ tiêu lợi nhuận không đạt” - bầu Đức nói.
Năm nay, bầu Đức cho biết sẽ cố gắng cắt giảm chi đầu tư, chủ yếu thực hiện đầu tư cho việc duy trì và chăm sóc vườn cây thời kỳ kiến thiết cơ bản và hoàn thành nhà máy chế biến. Dự kiến nhà máy chế biến cọ dầu tại Campuchia sẽ hoàn thành vào quý III/2016 và nhà máy chế biến cọ dầu tại Lào vào nửa đầu 2017.
Riêng mảng khó khăn nhất là cao su, trong năm 2016, giá cao su đã có dấu hiệu tăng trở lại. Giá dầu cọ cũng dự kiến tăng nhẹ, nhu cầu thế giới đối với dầu cọ sẽ được duy trì ở mức tăng trưởng bình quân 6,7% nhờ vào nhu cầu tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ.
Theo bầu Đức, hoạt động tài chính của HAGL đang gặp khó khăn về dòng tiền nhưng chỉ là tạm thời vì các dự án đầu tư của công ty đều có nhiều tài sản giá trị, có khả năng tạo ra dòng tiền để trả nợ nếu được tiếp tục đầu tư, chăm sóc và tăng cường quản lý.
“Với việc thực hiện tái cơ cấu nợ, chúng tôi tự tin sẽ vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển” - bầu Đức tin tưởng. Ông chủ tập đoàn này cũng khẳng định việc đầu tư ở nước ngoài trong thời gian qua là hướng đi đúng đắn.
“Việc đầu tư mạnh tại Lào và Campuchia với những thành công to lớn bước đầu trong hoạt động kinh doanh, HAGL đã nhận được sự công nhận từ chính phủ các nước, góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, thúc đẩy giao lưu thương mại giữa các nước, từ đó góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế trong khu vực” - Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức nhấn mạnh.
Trước đó, một nhóm các ngân hàng thương mại là chủ nợ của HAGL đã họp và thống nhất thông qua phương án giảm lãi suất các khoản vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho công ty này. Bởi trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 vừa công bố giữa tháng 4-2016, tổng số nợ phải trả của HAGL tính đến cuối năm ngoái là hơn 33.000 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 13.212 tỉ đồng và nợ dài hạn là 19.749 tỉ đồng.
Khoản nợ từ việc vay ngân hàng có sự góp mặt của nhiều ngân hàng thương mại thông qua cho vay trực tiếp hoặc các khoản vay từ phát hành trái phiếu của chính doanh nghiệp này. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của HAGL cho thấy doanh thu công ty này đạt trên 6.250 tỉ đồng nhưng do chi phí lãi vay lớn nên lợi nhuận giảm sút chỉ còn 602 tỉ đồng. Doanh thu lớn nhất đến từ việc nuôi bò và đầu tư bất động sản.
Bình luận (0)