Trong xu hướng bùng nổ thẻ tín dụng, nhiều khách hàng cũng bị hấp dẫn vì được vay tiền không lãi từ 15-45 ngày khi mua sắm bằng thẻ tín dụng. Hạn mức tiêu dùng được các ngân hàng tính gấp 3 lần mức thu nhập, không phải thế chấp, cũng là động lực thúc đẩy người dân làm thẻ.
Cẩn trọng với các loại phí
Tuy nhiên, quẹt thẻ thì dễ nhưng đến kỳ hạn thanh toán mới... chóng mặt. Hằng tháng, chủ thẻ chỉ trực tiếp thanh toán tối thiểu bằng 4%-5% số tiền đã chi tiêu, số còn lại ngân hàng cho nợ thấu chi. Chẳng hạn, chi tiêu trong tháng là 50 triệu đồng thì giá trị thanh toán trực tiếp tối thiểu chỉ là 2,5 triệu đồng (5%).
Nhưng dù đã trả trực tiếp 2,5 triệu đồng hay 49,99 triệu đồng, chủ thẻ vẫn bị tính lãi trên khoản chi tiêu 50 triệu đồng ở tháng tiếp theo, do không trả hết nợ toàn bộ số tiền chi tiêu trong kỳ. Trường hợp không trả đồng nào hoặc trả chậm sẽ bị thu phí khá cao. Trong thực tế, có rất nhiều khách hàng chỉ thanh toán tròn số, bỏ sót vài trăm ngàn hoặc vài chục ngàn đồng lẻ. Bẵng đi không đọc “trát” của ngân hàng gửi, vài tháng sau, chủ thẻ sẽ tá hỏa khi tiền lãi lên đến cả triệu đồng.
Khách hàng thanh toán tiền mua hàng bằng thẻ tín dụng tại siêu thị Citimart Chu Văn An - TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Ngoài ra, bất lợi của thẻ tín dụng còn ở các loại phí, bao gồm phí thường niên khoảng 350.000 – 500.000 đồng/năm, phí rút tiền mặt, phí chậm thanh toán, phí vượt hạn mức tín dụng, phí chuyển đổi ngoại tệ. Thậm chí, có cửa hàng đến nay vẫn tính thêm phụ phí 1%-3% trên giá trị thanh toán khi khách muốn quẹt thẻ. Do ngân hàng cung cấp thẻ tín dụng thường không đưa ra những cảnh báo về phí và lãi suất, nhiều người bỗng chốc rơi vào tình trạng nợ nần và phải đóng thẻ tín dụng.
Vay trả góp lãi từ 13,44% lên 23%/năm
Vì cần tiền để đáo hạn món vay tín dụng đen từ đầu năm, chị Thu, nhà ở phường Phương Mai, quận Đống Đa - Hà Nội, đến gõ cửa một số ngân hàng TMCP, vì những nơi này đang có sản phẩm cho vay tiêu dùng được chào lãi suất thấp. Sau khi dễ dàng đáp ứng điều kiện vay vốn tín chấp, chị Thu “chốt” lại một ngân hàng có lãi suất chỉ 13,44%/năm.
Nhưng khi nhận được bảng kê về số tiền phải trả, chị không dám ký hợp đồng vay vốn vì tính ra, lãi suất vay ngân hàng thực chất còn “cắt cổ” hơn khoản vay tín dụng đen. Tiếng là lãi suất thấp ổn định trong suốt kỳ hạn nhưng lại được tính trên tổng dư nợ ban đầu và hằng tháng đều phải trả cả gốc lẫn lãi.
Cụ thể, với gói vay 150 triệu đồng, kỳ hạn 18 tháng, mỗi tháng khách hàng phải trả cả gốc lẫn lãi 10.013.333 đồng. Khi hết hạn, tính ra tổng số tiền lãi phải trả là 30.013.333 đồng. Còn nếu vay kỳ hạn 36 tháng, số tiền gốc và lãi hằng tháng phải trả giảm còn 5.846.666 đồng nhưng khi hết hạn, tổng số tiền lãi phải trả lên đến 60.479.976 đồng.
Trong trường hợp này, khách hàng đã vay là không có đường lui vì nếu có nhu cầu trả trước hạn thì không những không giảm được lãi suất mà còn phải mất thêm phí trả nợ trước hạn. Ví dụ, khách hàng muốn trả 50 triệu đồng trước hạn 6 tháng, mức phạt vì trả nợ trước hạn sẽ là 750.000 đồng. Như vậy, lãi suất thực tế mà khách hàng phải trả là 23%/năm, chưa kể khoản lãi suất bị tính 2 lần trên số tiền nợ gốc đã trả nhưng vẫn bị tính cố định hằng tháng.
Thường thì khách vay khó phát hiện được sự chênh lệch lãi suất này vì trong bảng kê, nhân viên ngân hàng không tính tổng số tiền phải trả để khách hàng dễ “giật mình”. Bên cạnh đó, khách hàng thường chỉ chú ý đến lãi suất ban đầu thấp và ổn định, thời gian trả nợ kéo dài là ký ngay hợp đồng.
Bình luận (0)