“Tôi bạc đầu vì lụa...”. Ông Hồ Viết Lý, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thịnh, kể sau khi được bà Minh Hạnh, Viện trưởng Viện mẫu Thời trang VN (Fadin), đặt mẫu vải để may áo cho các nguyên thủ quốc gia ASEAN. Vì không có mẫu sẵn, nên suốt 7 tháng trời, ông Lý đã đầu tư công sức mày mò để cho ra được mẫu vải theo đơn đặt hàng của nhà thiết kế nổi tiếng kỹ tính này. Đó là loại damatsilk chất liệu 100% tơ tằm, nhưng phải bảo đảm không mềm quá, cũng không cứng quá, để đủ độ đứng khi lên áo veston. Và phải dệt làm sao để khi áo hoàn tất, hai con rồng phải liền lạc, ẩn hiện. Vảy và râu phải nổi... Cuối cùng, ông đã thành công. Tại cuộc thi Hoa hậu Báo Phụ nữ VN qua ảnh năm 2004 mới đây, nhà thiết kế Lê Thanh Phương (TPHCM) cũng đã sử dụng lụa Toàn Thịnh để tạo điểm nhấn cho chương trình với những bộ áo kết đá Swavroski sang trọng và ấn tượng. Nhiều nhà thiết kế thời trang trẻ cũng cho biết họ đã "bén duyên" với lụa Lý qua các bộ sưu tập đầy ấn tượng mà cảm hứng là vẻ nõn nà của lụa tơ tằm làm tôn vinh nét đẹp tự nhiên của người phụ nữ... Vào thế giới thời trang cao cấp “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông...”. Đã từ lâu, lụa tơ tằm VN đi vào thơ ca, trong tâm tưởng của những chàng trai đa tình. Nhưng dù là một nước có truyền thống về lụa, một thời gian dài, các nhà thiết kế thời trang VN vẫn mỏi mắt chờ trông một nhà sản xuất chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu; và họ vẫn phải sử dụng lụa Trung Quốc, Ấn Độ, Ý... để thiết kế thời trang cao cấp. Thiếu cái “bắt tay” giữa công nghệ và sáng tạo, giữa sản xuất và thiết kế đã khiến ngành thời trang VN hội nhập một cách chập chững. Bà Minh Hạnh cho biết người làm thiết kế công nghệ phải tận dụng cái quý giá nhất là bản sắc. Tây rất thích thổ cẩm, lụa, thêu. Thời trang khi thiết kế đúng thị hiếu, đúng khuynh hướng là “bắt” được ngay. Trong đó, chất liệu quyết định một nửa. Nhưng chỉ 2 năm trở lại đây, sau khi đã gõ cửa đặt hàng nhiều nơi, bà mới "gặp" được lụa Toàn Thịnh (mà các nhà thiết kế vẫn gọi yêu mến là lụa Lý) và lụa của Công ty 2/9 (viseri). Năm ngoái, tại đêm diễn ở Bỉ với ca sĩ Adamo, Minh Hạnh đã bán đấu giá 6 bộ thời trang để ủng hộ cho trẻ em nghèo Quảng Trị, thu được mười mấy nghìn euro. Trong đó có chiếc khăn lụa thêu giá 3.200 euro. Tại hội chợ Las Vegas, bộ sưu tập thời trang của VN đã lọt vào mắt xanh của một nhân vật tầm cỡ, đại diện cho 13 tiểu bang phía Tây của Hoa Kỳ. Từ đó đến nay, vị khách này đặt hàng liên tục. Thời trang lụa VN cũng đã được đặt hàng cho Beverley Hills, Mỹ (hệ thống shop thời trang nổi tiếng dành cho giới nghệ sĩ). Theo các nhà thiết kế, hiện nay 80% sản phẩm thời trang cao cấp trên thế giới đều sử dụng nguyên liệu lụa tơ tằm tự nhiên bởi đặc tính điều hòa nhiệt độ, không tích điện và sang trọng. Không có nước nào lụa rẻ bằng VN. Đó là một thuận lợi cho xuất khẩu hàng thời trang VN. Thử làm một con tính: Nếu gia công, giá chỉ 20.000 - 50.000 đồng/sản phẩm, nhưng nếu thiết kế, xuất khẩu giá trị gấp nhiều lần, trong đó giá trị nguyên liệu chỉ chiếm tối đa 30%. Ám ảnh lụa...
Ông Hồ Việt Lý đang xem xét một mẫu vải mới
“Từ khi “bắt tay” với các nhà thiết kế, tôi có định hướng mới, lâu dài hơn. Và cũng đam mê, tạo ra nhiều mẫu mã hơn” - ông Lý nói. Thời nay, sản xuất lụa tơ tằm ở VN đã đi vào công nghệ hiện đại trong các khâu dệt, xử lý sợi... Nhưng nhiều công đoạn vẫn làm thủ công, nhất là khâu thiết kế mẫu mã, xử lý màu sắc. Vì vậy, với người trong nghề, chỉ cần nhìn qua mẫu vải, khổ dệt, màu sắc, độ óng... là có thể biết lụa của ai, dệt từ tơ nào... Còn ông Lý, nhìn qua mẫu vải, ông biết cách dệt ngay. "Tôi luôn bị ám ảnh bởi lụa, mẫu nào làm không được là... bệnh luôn. Nghề này không đam mê không làm được" - ông nói. Ngay cả đi du lịch nước ngoài, ông cũng tìm cách tham quan các nhà máy sản xuất lụa, các shop thời trang và thường vét sạch hầu bao để mua lụa về nghiên cứu. Mới đây, ông Lý lại nhập công nghệ mới về và trực tiếp đứng máy suốt cả tuần để cho ra sản phẩm đạt yêu cầu. Đó là mẫu silk nhún, bảo đảm cả về độ mềm, xốp và giữ được độ nhún sau khi giặt. "Trước kia, tôi thường bị mắng vốn, vì sau khi nhúng nước lụa nhún không còn giữ được nếp".
Hiện nay lụa Lý có gần 30 chủng loại, với hơn 100 sắc màu ổn định. Trong đó cao cấp nhất là lụa chiffon, damatsilk, tuypso... Định hướng của Toàn Thịnh là đầu tư khép kín từ tơ đến vải thành phẩm, đa dạng hơn sản phẩm; tiếp tục hoàn thiện khâu hoàn tất như nghiên cứu ổn định độ co rút, xử lý độ bền màu, chống nhăn, rạn... Gần đây, Toàn Thịnh cũng đã sản xuất thành công vải sa dành cho đàn ông. Theo ông Lý, lụa tơ tằm đang trở thành mốt không chỉ với quý bà, quý cô; mà cả giới mày râu. Vì vậy, năm 2005, sẽ có sản phẩm khăn đóng áo dài truyền thống... Mê hoặc khách sành điệu Cuộc trò chuyện của chúng tôi trong hơn một tiếng đồng hồ luôn bị ngắt quãng bởi tiếng điện thoại, trong số đó có một khách hàng ở Singapore. Bà này đặt lô hàng "theo như mẫu đã thử " để trang trí nội thất và thông báo đầu năm 2005 sẽ đến VN bàn kỹ chuyện hợp tác. Ông Lý cho biết, đây là một công ty trang trí nội thất có tiếng, đã từng đặt hàng ở Ấn Độ, sau khi đi khảo sát khắp nơi, kể cả Trung Quốc, đã quyết định đặt hàng tại VN. Một khách hàng Mỹ đặt hàng lụa taffta... Đó là những khách hàng mới. Hai năm gần đây, lụa Toàn Thịnh đã xuất sang Ý, Hàn Quốc, Lào... Nhiều Việt kiều sau khi về thăm quê, cũng đã “bén duyên” lụa Lý, thường xuyên đặt hàng qua e-mail. Chưa kể, theo chân các nhà thiết kế VN, lụa Lý đã mê hoặc nhiều khách hàng sành điệu khắp các châu lục.

Chuyện kể rằng, tại một buổi biểu diễn thời trang ở Nhật, có 5 khán giả đòi mua ngay chiếc áo dài... chủ nhân đang mặc. Và đó chỉ là một chiếc áo dài lụa Lý màu đen giản dị...

Nguyễn Minh