Ngày 23-12, UBND TP HCM và Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã tổ chức hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Toàn cảnh hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” tại TP HCM sáng 23-12. Ảnh: Tấn Thạnh
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước, có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Trong đó, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho biết TP HCM có vị trí rất quan trọng đối với cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu tàu, hạt nhân để tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong toàn vùng trong những năm qua và cả tương lai.
Cụ thể, những năm qua, TP HCM luôn có tốc độ tăng GDP hằng năm gấp từ 1,72 lần đến 1,75 lần cả nước. Tính đến cuối năm 2015, TP HCM chiếm 60,6% tổng GDP, 60,5% tổng thu ngân sách nhà nước và 51% tổng vốn đầu tư phát triển toàn vùng toàn vùng kinh tế trong điểm phía Nam.
Trong giai đoạn 2001-2015, kinh tế các địa phương trong vùng có mức tăng trưởng ổn định, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước trên 1,5 lần, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và đúng theo xu thế giảm dần tỉ trọng GDP khu vực nông lâm ngư nghiệp và công nghiệp xây dựng, tăng dần tỉ trọng GDP khu vực dịch vụ.
Dù vậy, trong quá trình liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn hạn chế như chưa xác định được cơ chế, giải pháp phù hợp chung giữa TP HCM với các tỉnh trong vùng để phối hợp giải quyết những lĩnh vực chủ yếu trong liên kết vùng. Thiếu định hướng chiến lược chung, từ đó thiếu sự gắn kết, phân công giữa TP HCM và các tỉnh trong vùng để phát triển những ngành có lợi thế của từng địa phương, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao...
Trong khi đó, cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và các tổ điều phối của các bộ ngành và địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng còn hạn chế.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nhìn nhận, thời gian qua, các địa phương chưa đánh giá hết tiềm năng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chưa cụ thể hóa và xây dựng được cơ chế chính sách đặc thù để vùng phát triển. Cơ chế phối hợp còn mang tính hình thức và hội đồng điều phối vùng chưa thật sự hiệu quả.
“Nếu chúng ta làm tốt sẽ góp phần phát triển kinh tế của vùng. Do đó, theo tôi, trong thời gian tới từng địa phương trong vùng cần nâng cao trách nhiệm, phải xây dựng được một cấu trúc liên kết bền vững. Còn nếu cách làm như hiện nay thì rất khó vì các địa phương không thể hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích của cả vùng. Cơ chế ngân sách không phải nộp theo vùng mà nộp theo địa phương nên để gắn lợi ích của địa phương vào cả vùng là rất khó” - Bí thư Thăng nhận định.
Do đó, cần cơ chế xây dựng hiệu quả, gắn địa phương với cả vùng, thành đặc khu kinh tế mở cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chứ không chỉ riêng TP HCM. Bởi hiện nay, dù TP HCM đã ký kết hợp tác, liên kết với từng địa phương nhưng rất cần cơ chế tổng thể như việc tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách trọng tâm, tạo giá trị gia tăng, xây dựng công nghiệp hỗ trợ, thu hút các ngành phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, nhất là hạ tầng giao thông...
Cũng theo Bí thư Thăng, cần xúc tiến xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho cả vùng phía Nam để cung cấp cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Cơ sở dữ liệu hiện nay rất manh mún, rất khó để nhà đầu tư có định hướng. Đề nghị các địa phương thật sự coi trọng liên kết vùng để các địa phương, các bộ ngành thực hiện thật tốt. Gắn lợi ích của địa phương với lợi ích của vùng.
Bình luận (0)