Tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Huân (Ba Huân), Tổng giám đốc Công ty Ba Huân, bày tỏ mong muốn nhờ tỉnh Đồng Tháp giới thiệu 5-6 HTX chăn nuôi vịt để thí điểm chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, công ty sẽ bao tiêu để sản xuất trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo xuất khẩu.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với Sở NN-PTNT, Cục Thú y của tỉnh để bàn giải pháp xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ trứng vịt an toàn. Ba Huân đã xin được giấy phép xuất khẩu sang Úc, Singapore và đang làm thủ tục để xuất sang Trung Quốc. Trứng vịt muối được Bộ NN-PTNT xếp thứ 8 trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, một số thị trường cũng ưa chuộng mặt hàng này nhưng yêu cầu sản phẩm phải an toàn, không chứa chất sudan (chất tạo màu công nghiệp). Vậy nên, nếu muốn bán hàng cho Ba Huân chế biến xuất khẩu, nông dân phải thay đổi cách nuôi" – bà Ba Huân nói.
Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân, cho biết sẽ sắp xếp làm việc với các sở - ngành Đồng Tháp để xây dựng chuỗi sản xuất trứng vịt an toàn sinh học
Về lý do chọn thí điểm hợp tác với Đồng Tháp, bà Ba Huân cho hay công ty bà đang có nhiều hợp đồng xuất khẩu trong năm 2020 nên đang tìm hiểu, xây dựng vùng nguyên liệu an toàn sinh học và tạo chuỗi sản xuất khép kín; qua đó giúp bà con nông dân thay đổi phương thức sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
"Trước đây có liên kết với một số hộ nông dân của Đồng Tháp nhưng nay muốn hợp tác với các HTX để yên tâm hơn, chuyên nghiệp hơn" – bà Ba Huân bộc bạch.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp (trái), tham quan nhà máy xử lý trứng của Công ty CP Ba Huân
Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Điều hành Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh có truyền thống nuôi vịt chạy đồng, thời gian gần đây phát triển nuôi rọ (nuôi nhốt trên cạn) nhưng sản xuất còn bấp bênh. Một số hộ nông dân đã cố gắng tham gia chuỗi truy xuất nguồn gốc, cung ứng cho thị trường TP HCM nhưng chỉ được một thời gian ngắn đã rời liên kết vì không thoả thuận được giá cả.
Trao đổi tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan động viên nông dân học theo gương nỗ lực vượt khó của bà Ba Huân. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy, cách thức sản xuất để tiến tới sản xuất bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ bởi người tiêu dùng ngày càng khó tính nên việc bỏ thêm 100-200 đồng để mua 1 quả trứng không quan trọng mà quan trọng là phải có trứng sạch.
Trứng vịt Ba Huân đi qua nhiều khâu xử lý trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ
Một lưu ý khác của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp là 2 bên phải tìm hiểu kỹ trước khi quyết định hợp tác. "Muốn làm ăn lâu dài phải hiểu để trân quý, tín nhiệm lẫn nhau. Vừa rồi thanh long rớt giá do ảnh hưởng bởi dịch corona, UBND tỉnh phải lặn lội nhờ Big C hỗ trợ tiêu thụ thanh long giúp bà con nông dân. Mới thu mua được vài ngày, họ đã mắng vốn vì bà con làm ăn gian dối, họ đặt hàng loại 1 nhưng khi giao cố tình chèn sản phẩm loại 2, loại 3 vào. Kết quả tỉnh phải muối mặt năn nỉ họ một lần nữa" – ông Hoan kể.
Ông Lê Minh Hoan cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch hợp tác với Ba Huân. Trong đó, chính quyền cần vào cuộc thật sự, làm cầu nối cho nông dân và doanh nghiệp.
Bình luận (0)