Những ngày này, Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (TND1, thuộc Trungnam Group) đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam thuộc huyện Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk) để kịp đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1-11 nhằm hưởng mức giá ưu đãi 8,5 US cent/KWh dành cho điện gió trên bờ theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg.
Dự án điện gió lớn nhất hiện nay
Dự án trải rộng trên diện tích 6.000 ha đồi núi xen lẫn khu vực chuyên canh nông nghiệp và sinh sống của người dân thuộc 3 xã Ea Nam, Ea Khal, Dliê Yang (huyện Ea H’Leo). Trong khi đó, dự án chỉ mới được Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý tại Quyết định số 3282 ngày 31-12-2020. Áp lực chạy đua để về đích đúng kế hoạch là thách thức rất lớn. Tuy thế, tập đoàn vẫn nỗ lực vượt khó khăn, quyết liệt triển khai dự án theo đúng tinh thần của Quyết định 39/2018/QĐ-TTg và Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.
Với tổng mức đầu tư 16.500 tỉ đồng, công suất 400 MW, 84 trụ gió kết hợp hệ thống 1,2 km đường dây 500 KV, hệ thống mạng điện và giao thông công cộng, Ea Nam là dự án điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk. Dự án được người dân, chính quyền gửi gắm kỳ vọng về tốc độ triển khai thần tốc, sớm đem lại hiệu quả kinh tế cũng như ý nghĩa to lớn về mặt cung cấp, tiêu thụ năng lượng xanh, sạch cho địa phương và khu vực. Đại diện TND1 khẳng định Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam đi vào hoạt động sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, tạo việc làm cho hàng trăm người lao động tại địa phương, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Không những thế, đây còn là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm Quyết định 39 hết hiệu lực vào cuối năm nay. Sau khi hoàn thành, dự kiến, dự án bổ sung khoảng 1.173 GWh vào nguồn điện quốc gia mỗi năm; nhà đầu tư nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên 3.000 tỉ đồng trong thời gian thực hiện dự án và khoảng 250 tỉ đồng/năm thuế GTGT.
Khu vực xây dựng Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam (tại Đắk Lắk) không thuộc khu vực rừng tự nhiên, không ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh. Ảnh: MAI TÂM
Giảm thiểu tác động môi trường
Theo đại diện Trungnam Group, dù dự án nằm trên diện tích khá lớn nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người dân, đến tháng 4-2021, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành. Trungnam Group cũng song song triển khai thi công các bệ móng của 84 trụ gió ở các khu vực đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng. Hiện phần thân trụ gió đã được đưa đến bãi tập kết ở công trường, một số thiết bị quan trọng khác như cánh quạt và tua-bin điện gió công suất 4,2 và 5,5 MW đã được vận chuyển về cảng Nam Vân Phong, cảng Ba Son. Những thiết bị này đang được nhanh chóng thông quan, vận chuyển về công trường.
Chủ đầu tư dự án cho biết công tác thi công đường nội bộ phục vụ xe cơ giới siêu trường cùng công tác thi công bệ móng trụ gió tại các khu vực đang được thực hiện khẩn trương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do ưu tiên về mặt tiến độ, khó tránh xảy ra một số vấn đề ảnh hưởng đến dân sinh, môi trường. "Đây là điều không thể tránh khỏi nhưng với tinh thần đồng hành với người dân và chính quyền địa phương, TND1 mong muốn nhận được sự quan tâm, đồng thuận của người dân vì mục tiêu phát triển huyện Ea H’Leo nói riêng và toàn tỉnh Đắk Lắk nói chung" - đại diện chủ đầu tư bày tỏ.
Không phải nói suông, trong thời gian tích cực triển khai dự án, TND1 tuyệt đối tuân thủ công tác dân vận và giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, TND1 còn dành khoản hỗ trợ hơn 10 tỉ đồng cho cư dân bị ảnh hưởng trực tiếp tại vùng dự án, gồm ảnh hưởng về tiếng ồn, tác động đến hoa màu và sinh hoạt. Ngoài ra, với vai trò là chủ đầu tư dự án, TND1 đã có nhiều cuộc họp chấn chỉnh và ra văn bản yêu cầu phạt, thậm chí cắt hợp đồng đối với nhà thầu phụ, nhà cung cấp không tuân thủ nghiêm quy định của công trường. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu tăng cường giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường như: liên tục tưới nước các tuyến đường giao thông từ 2-5 lần/ngày, tuân thủ tốc độ, tải trọng được phép, lắp đặt các tấm lưới giảm bụi và rào chắn ở những khu vực thiếu an toàn. "TND1 cũng thường xuyên làm việc với chính quyền các cấp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và tạo cơ chế lắng nghe - xử lý những khiếu nại từ người dân địa phương, từ đó người dân tin tưởng và đồng lòng ủng hộ dự án" - đại diện TND1 cho biết thêm.
Bên cạnh giải pháp hỗ trợ tức thời, TND1 còn cam kết ký quỹ sửa chữa các tuyến đường giao thông bị ảnh hưởng bởi quá trình thực hiện dự án và tăng cường phát triển, xây dựng các dự án an sinh xã hội tại huyện Ea H’Leo. Trong đó, việc xây dựng 11 căn nhà tình nghĩa với tổng giá trị hơn 550 triệu đồng và các nhà văn hóa thuộc 3 xã Ea Nam, Ea Khal, Dliê Yang đã được đưa vào chương trình trách nhiệm an sinh xã hội trong năm 2021 của công ty. Đồng thời, chủ đầu tư đã thi công được 70% khối lượng với 1,5 km đường bê-tông trên địa bàn thôn 8 (xã Ea Khal) và sẽ sớm tổ chức trao tặng. Quan trọng hơn, khi dự án đi vào vận hành, người dân sẽ hưởng lợi trực tiếp hơn 54 km đường giao thông từ tuyến đường của dự án.
Đề cao trách nhiệm cộng đồng
Trungnam Group khẳng định trong quá trình 17 năm phát triển, tập đoàn luôn chú trọng trách nhiệm doanh nghiệp, cộng đồng đối với địa phương và khu vực thực hiện các dự án. "Chúng tôi cam kết giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân địa phương. Chúng tôi cũng đặc biệt mong muốn tạo nên mối liên kết đồng hành, cùng phát triển với địa phương, mang đến nguồn lợi kinh tế cho tỉnh, tạo thêm việc làm, sinh kế cho người dân và mang đến các giá trị tốt đẹp từ một dự án năng lượng tái tạo vững bền. Những điều này là định hướng dài lâu của chúng tôi" - đại diện tập đoàn cho hay.
Bình luận (0)