“Em thích bôi đất đỏ lên khoai tây Trung Quốc cho giống khoai Đà Lạt thì chị làm cho. Giá chỉ bằng một nửa so với khoai Đà Lạt!” - chủ một sạp chuyên bán nông sản tại chợ nông sản Đà Lạt (Lâm Đồng) chào mời khi biết chúng tôi muốn mua hàng để đưa về TP HCM tiêu thụ.
Làm công khai
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại chợ nông sản Đà Lạt, trước mỗi sạp thu mua nông sản đều có những bao đất đỏ, một số tiểu thương còn mang đất ra phơi ngay giữa đường. Tại sạp chuyên buôn bán khoai tây có tên N.A, một nhóm người đang hì hục rửa sạch khoai, nhóm còn lại lấy đất đỏ đã phơi khô, tán nhuyễn rắc lên những củ khoai tròn trịa, bóng bẩy. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua khoai tây để đưa về TP HCM tiêu thụ, bà chủ sạp không e dè: “Bao nhiêu cũng có. Em nên mua khoai tây Trung Quốc, đưa về dưới đó cứ bảo là khoai Đà Lạt, chẳng ai biết đâu!”.
Cách đó không xa, tại một sạp khác, khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lạt được bày la liệt trên nền đất, số được rửa sạch, số còn dính đất đỏ; người không rành mới nhìn qua khó có thể nhận ra đâu là khoai tây Đà Lạt, đâu là khoai Trung Quốc. Cùng một loại nhưng khoai tây Trung Quốc giá bán chỉ 4.000-5.000 đồng/kg, trong khi khoai tây Đà Lạt lên đến 9.000-10.000 đồng/kg. “Chị sẽ làm màu theo yêu cầu của khách để giống khoai tây Đà Lạt, còn về dưới kia bán giá bao nhiêu và trộn theo tỉ lệ ra sao là tùy các em” - bà chủ sạp nói tiếp.
Ông Nguyễn Văn Hải - một người chuyên buôn bán rau, củ ở chợ nông sản Đà Lạt - cho biết lúc cao điểm, mỗi ngày tiểu thương ở đây nhập về rồi xuất đi khoảng 15-17 tấn khoai tây Trung Quốc. Hầu hết được đưa đi tiêu thụ tại thị trường các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL. “Để làm màu cho khoai tây, trước hết phải cho vào máy quay đều để khoai bóng lên rồi đem rửa sạch, sau đó rắc đất đỏ lên. Bảo đảm với anh rất khó để phân biệt được khoai Đà Lạt với khoai Trung Quốc nếu không phải người trong nghề” - ông Hải khẳng định.
Khó xử phạt
Ông Dương Minh Sơn, Trưởng Ban Quản lý chợ nông sản Đà Lạt, thừa nhận dù các tiểu thương đã cam kết nhưng tình trạng nhập khoai tây Trung Quốc về rồi “lên đời” thành khoai tây Đà Lạt để bán giá cao vẫn diễn ra thường xuyên.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, rất khó để xử phạt bởi tất cả giấy tờ buôn bán của tiểu thương đều thể hiện là khoai tây Trung Quốc. Nhằm hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng thương hiệu đặc sản Đà Lạt để thu lợi, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đã mở nhiều đợt kiểm tra đột xuất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong khoai để xử phạt hoặc tiêu hủy do khoai tây Trung Quốc đa số có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao.
“Việc bôi đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc để biến thành khoai tây Đà Lạt, bán với giá cao là hành động gian lận thương mại, phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần có biện pháp kiểm soát chặt hơn từ các cửa khẩu phía Bắc, tức phải kiểm tra khắt khe ngay từ điểm xuất phát thì lượng nông sản Trung Quốc kém chất lượng vào Đà Lạt mới có thể hạn chế được” - một lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng tiêu chí nhận dạng 2 loại khoai tây Đà Lạt và Trung Quốc để giúp người tiêu dùng không bị nhầm lẫn. Cụ thể, với khoai tây da hồng, củ khoai Trung Quốc to, dài, kích thước đồng đều, vỏ dày, trên vỏ có các chấm li ti...; còn khoai tây Đà Lạt củ vừa phải, hình bầu dục hoặc tròn, ít đồng đều, vỏ mỏng nên dễ bị trầy, ruột có màu vàng nhạt.
Với khoai tây da vàng của Trung Quốc, ruột có màu trắng hơi ngả vàng; còn ruột khoai Đà Lạt có màu vàng.
Về chất lượng của 2 loại khoai trên, khoai tây Đà Lạt ăn bùi, thơm dễ tróc vỏ; còn khoai Trung Quốc ăn sượng, nhão do chứa nhiều nước và vỏ rất khó bong.
Bình luận (0)