Bên trong một xưởng sản xuất dầu nhớt “trời ơi”. Loại dầu nhớt này rất có hại cho động cơ - Ảnh: NGỌC LINH
100 triệu đồng học nghề, mở xưởng
Thứ dầu tái chế đó dân trong nghề gọi là dầu cắt. Trong vai người đi học nghề, thu mua, phân phối dầu nhớt..., PV Tuổi Trẻ đã xâm nhập các cơ sở chế biến dầu nhớt này.
Phân biệt thật, dỏm qua bề ngoài |
“Dầu cắt này chỉ cần mua về cho phụ gia vào rồi đóng chai là đem bán được ngay. Giá 3,4 triệu đồng một thùng phuy 220 lít, muốn bao nhiêu phuy cũng có” - N., chủ cửa hàng bán dầu cắt trên quốc lộ 1A thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn (TP.HCM), chào hàng. Để có dầu cắt, N. còn thu mua dầu nhớt thải chủ yếu do những người thu gom dầu nhớt thải từ các tiệm sửa xe máy, gara ôtô, công trường xây dựng... đem đến bán. Dầu nhớt thải được N. thu mua với giá 4.000-6.000 đồng/lít.
Quy trình “sản xuất”
Qua giới thiệu từ những người buôn dầu nhớt thải, chúng tôi tìm đến xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn gặp chủ một cơ sở dầu cắt để tìm hiểu rõ hơn về quy trình làm dầu nhớt thải thành dầu cắt. Hai ông chủ là B. và T. niềm nở khi nghe có người cần bán một lượng lớn dầu nhớt thải. “Ở đây chúng tôi đang thiếu nguồn dầu nhớt thải để làm thành dầu cắt. Cứ mười phuy dầu nhớt thải chúng tôi làm ra được bảy phuy dầu cắt” - T. nói.
Quy trình làm dầu nhớt thải thành dầu cắt trải qua khá nhiều công đoạn. Dầu nhớt thải được cho vào một cái vạc lớn đun sôi để loại bỏ nước có trong dầu. Sau đó bơm lên một lò chưng cất, tiếp tục đun sôi đến mức hóa hơi. Hơi dầu được dẫn qua một hệ thống ống dẫn chuyển tới bồn làm lạnh. Tại đây, hơi dầu được ngưng tụ thành một dung dịch sậm màu. Dung dịch này được bơm vào các bể rồi sục axit vào để tẩy màu.
Sản phẩm cuối cùng thu được là một thứ chất lỏng có màu vàng sậm, hăng hắc. Đó chính là dầu cắt, có giá thị trường khoảng 13.000 đồng/lít.
Theo B. và T., dầu cắt này sẽ được phân phối đến các cơ sở sản xuất dầu nhờn nhỏ lẻ để họ làm ra nhiều loại dầu nhớt rẻ tiền, và đến các cây xăng để tiêu thụ ra thị trường. “Dầu nhớt mà người đi xe máy thường mua xị ở cây xăng, ven đường chính là từ đó mà ra” - B. nói.
Trong vai chủ một công ty phân phối dầu nhớt đang tìm mua công thức nấu và pha chế dầu cắt thành dầu nhớt để cho ra một thương hiệu dầu nhớt riêng, chúng tôi được giới thiệu đến những tay buôn dầu nhớt thải ở khu vực An Sương (Q.12), Q.Bình Tân.
“Nếu các anh có xưởng rồi thì tôi bán công thức lại cho, giá 40 triệu đồng” - L. “đen”, một tay có thâm niên làm nghề này ra giá. Còn giá trọn gói (trang bị dây chuyền, bán công thức...) thì cao hơn, khoảng 100 triệu đồng. Giá cả có vẻ thống nhất bởi khi chúng tôi kiểm chứng lại với chỗ Th., một chủ cơ sở sản xuất dầu nhớt tại khu vực tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân), cũng cho giá tương tự. Th. tính: “Nồi nấu 2.000 lít dầu giá 40 triệu đồng. 10 thùng chứa dầu nhớt loại 1.000 lít tổng cộng 12 triệu đồng. Còn tiền công tôi dạy các anh cách nấu, pha chế thành thạo là 40 triệu đồng”.
Th. dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng sản xuất của mình để chỉ dẫn cụ thể quy trình làm dầu nhớt. “Muốn dầu có mùi thơm, màu vàng chanh, màu xanh... tôi cũng chỉ cho cách làm. Xe thì ngày nào cũng chạy, chạy thì phải thay dầu nhớt, lo gì sợ ế” - Th. động viên.
Để thuyết phục chúng tôi mua công nghệ làm dầu nhớt, Th. đem một bịch dầu nhớt màu vàng chanh ra khoe: “Cái này là xong hết rồi đấy, giá 16.000 đồng/lít, về chỉ cần đóng chai là bán được”.
Anh Bảy - thợ sửa xe ở quận Tân Phú, TP.HCM - cho biết bình nhớt Vistra 300 anh đang cầm chỉ có vỏ là thật, bên trong là dầu nhớt “phù phép” (bìa phải là bình nhớt thật) - Ảnh: NGỌC LINH
Có thương hiệu cũng sản xuất dầu cắt
“Theo tìm hiểu của chúng tôi thì các công ty sản xuất dầu nhớt có thương hiệu như S, V, N, M đã và đang làm dầu nhớt từ nguồn dầu cắt. Thậm chí một số công ty dựng cả lò nấu dầu thải thành dầu cắt, còn đa số mua dầu cắt từ các cơ sở nấu sẵn bên ngoài đem về pha chế lại rồi đóng bình, sau đó bán ra thị trường” - ông Vũ Thanh Giang, giám đốc Công ty dầu nhờn GS VN, cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực dầu nhờn, cho hay dầu cắt thường được sử dụng nhiều ở các tỉnh sông nước miền Tây do tại đây có lượng tàu xuồng nhiều. Cánh lái xe tải cũng mua loại dầu này đổ vào động cơ.
Các nhà chuyên môn trong lĩnh vực dầu nhờn cho biết với quy trình chế biến thô sơ như trên, dầu nhớt làm ra không đảm bảo các tính năng về bôi trơn, làm mát, làm sạch, chống oxy hóa, chống tạo bọt, chống mài mòn... Đặc biệt các tạp chất còn lại trong quá trình cắt dầu như axit, cặn bẩn là tác nhân chính phá hoại các chi tiết động cơ, máy móc khi người tiêu dùng sử dụng các loại dầu nhớt này.
Khi chúng tôi đặt vấn đề cần mua dầu nhớt để đóng chai cho ra một thương hiệu riêng thì ông T., giám đốc một công ty sản xuất dầu nhớt đã có thương hiệu, cho biết “sẵn sàng giúp”. “Nếu mua về đóng chai thì chúng tôi sẽ làm gia công cho. Loại SE (loại trung bình, dành cho xe máy) là 21.500 đồng/lít, còn loại SG (tốt) là 26.500 đồng/lít”.
Anh H.T., một người kinh doanh dầu nhớt, cho biết nhiều công ty dầu nhớt có thương hiệu khác cũng sẵn sàng gia công dầu nhớt đem bán mà không cần biết người mua đem về sẽ dán lên nhãn mác gì.
Dầu nhớt dỏm đang hoành hành và tuy âm thầm nhưng những người muốn thu lợi bất chính đang “tàn sát” không thương tiếc các loại động cơ mỗi ngày, gây nhiều thiệt hại cho xã hội.
Chất lượng “trời ơi” nên lợi nhuận lớn (!) |
Bình luận (0)