Theo Chủ tịch UBND Bình Định Phạm Anh Tuấn, việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phù hợp với phương hướng, mục tiêu, định hướng phát triển mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, cảng biển, qua đó đóng góp tăng trưởng cho kinh tế của tỉnh.
"Quan điểm nhất quán của tỉnh là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế thuần túy. Hiện nay, dự án đang ở giai đoạn lập dự án đầu tư. Để dự án này được thông qua, trình Chính phủ phê duyệt phải bảo đảm các điều kiện: công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm môi trường theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Người dân bị ảnh hưởng của dự án khi tái định cư phải có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, có sinh kế ổn định, lâu dài. Dự án không vi phạm phạm vi bảo vệ các di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên đã được công nhận trên địa bàn" - ông Tuấn khẳng định.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, các thế hệ người dân Lộ Diêu cũng cần có cái nhìn toàn diện về vùng đất này. "Nếu chỉ duy trì như hiện nay, thu ngân sách trừ tiền bán đất mới đáp ứng 40% nhu cầu chi cho tỉnh, còn 60% phải xin Trung ương. Con đường cuối cùng là phát triển du lịch, nông nghiệp và chọn 1 đột phá là phát triển công nghiệp. Nếu sau này làm nhà máy thép có mét khối nước thải nào đổ ra biển thì tôi chịu trách nhiệm. Khói bụi của nhà máy cũng được thu gom để phục vụ cho lĩnh vực khác" - ông Dũng cam kết.
Trước đó, giữa tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng chuyên dùng Khu Liên hiệp gang thép Long Sơn giai đoạn 1. Mục đích để phục vụ cho nhà máy thép 53.500 tỉ đồng, công suất 5,4 triệu tấn/năm ở thôn Lộ Diêu.
Dự án Khu Liên hiệp gang thép Long Sơn được chấp thuận chủ trương đầu tư từ 2022, là một trong những dự án trọng điểm của Bình Định. Để thực hiện dự án, khoảng 566 hộ của thôn Lộ Diêu sẽ phải di dời.
Bình luận (0)