Là doanh nghiệp nòng cốt trong chương trình bình ổn thị trường TP HCM, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) luôn tiên phong trong việc giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm... Tuy nhiên, theo lãnh đạo Saigon Co.op, bình ổn thị trường hậu Covid-19 không chỉ là kìm giá bán ở siêu thị mà còn cần nhiều hành động khác.
Kiểm soát tốt mặt bằng giá
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho hay 15 năm nay, Saigon Co.op luôn có sự kiểm soát để chỉ số CPI trong rổ hàng hóa của Saigon Co.op luôn bằng 1/4-1/5 thị trường, thậm chí có thời điểm âm do giá cả của Saigon Co.op năm sau thấp hơn năm trước. Nhờ nỗ lực này mà giá hàng hóa trong hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food... luôn giữ được mặt bằng tốt nhất, nhiều hàng hóa thiết yếu giữ được sự ổn định, chia sẻ với gánh nặng chi tiêu của người tiêu dùng. Đặc biệt, hàng hóa giá bình ổn của Saigon Co.op có mặt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và san sẻ gánh nặng kinh tế cho bà con.
"Năm 2022, những biến động trên thị trường quốc tế và trong nước khiến công tác bình ổn giá trở nên thách thức hơn, buộc DN phải thay đổi cách làm. Bình ổn giá hiện nay không đơn thuần là kiểm soát về mặt giá cả mà cần có sự tập hợp nhiều ngành công nghiệp khác nhau, kể cả ngành dịch vụ, tiêu dùng, du lịch... Rổ hàng bình ổn giá đã có những biến động, trước đây không những nhắm vào những mặt hàng thiết yếu mà còn có các mặt hàng chống dịch. Ngoài ra, phân khúc tiêu dùng cũng trở nên đa dạng với sự khác biệt về địa lý, phân khúc khách hàng, khả năng chi trả" - ông Đức nêu thực trạng và cho rằng bình ổn thị trường trong giai đoạn mới phải gắn chặt với các chuỗi giá trị cũng như chuỗi cung ứng trong bình diện chung. Nói cách khác, bình ổn giá không thể tách rời, chương trình bình ổn giá kết hợp với nguồn hàng cung ứng của các địa phương trên cả nước để bảo đảm bình ổn cho cả người sản xuất, nhà cung ứng lẫn người tiêu dùng.
Hệ thống siêu thị Co.opmart đang bán trứng gà, vịt với giá bình ổn thị trường thấp hơn nhiều so với bên ngoài
Thời gian qua, áp lực giá xăng dầu không chỉ đè nặng lên hàng hóa sản xuất trong nước mà cả hàng nhập khẩu. Tuy vậy, tại Saigon Co.op, áp lực này chậm hơn nhờ có sự chuẩn bị từ cuối năm 2021, chủ động đàm phán với các nhà cung cấp, giảm lợi nhuận để chia sẻ với người tiêu dùng, giúp nhịp giá tăng chậm hơn và giữ cho chỉ số giá trong hệ thống chỉ khoảng 0,42% so với chỉ số giá cả nước là 2,1%.
Liên tục tung khuyến mãi "khủng"
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực bán lẻ, Saigon Co.op hiểu rõ giá cả đến người tiêu dùng được quyết định bởi công tác triển khai nguồn hàng đầu vào và không ngừng đẩy mạnh hợp tác với các nhà cung ứng địa phương để ổn định nguồn cung, tạo điều kiện ổn định giá cả.
Song song với các biện pháp tạo nguồn hàng, Saigon Co.op còn thường xuyên phối hợp với nhà cung cấp thực hiện các chương trình khuyến mãi để mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng với giá ưu đãi nhất. Điển hình là trong cuối tuần này đến đầu tuần sau, Saigon Co.op sẽ đồng loạt giảm giá đến 50% cho gần 2.000 sản phẩm dinh dưỡng như sữa tươi, sữa bột, nước trái cây, bột ăn dặm đến các mặt hàng quần áo, đồ chơi, đồ dùng, khăn ướt, tã bỉm...
Dịp này, hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op phối hợp cùng nhiều thương hiệu Nestle, Vinamilk, NutiFood, DutchLady, Abbott, Dalat Milk... giảm giá hấp dẫn một số sản phẩm hoặc tặng kèm sản phẩm.
Các sản phẩm bánh kẹo, xúc xích, rau câu, nước trái cây được khuyến mãi từ 20% - 45%. Cherry Co.op Mỹ đang được bán với giá cực kỳ ưu đãi, giảm gần 20%.
Với mặt hàng hóa mỹ phẩm như sữa tắm, tã bỉm, khăn ướt, nước xả, kem đánh răng... siêu thị cũng khuyến mãi từ 20% - 30%.
Đáng chú ý là chương trình khuyến mãi "Siêu ưu đãi" áp dụng ngày 27, 28, 29-5 giảm giá từ 27% đến 50% cho các sản phẩm thực phẩm công nghệ, đồ dùng, hóa phẩm thương hiệu Co.op Finest, Co.op Select, Co.op Happy.
"Khi tham gia vào chương trình bình ổn thị trường, Saigon Co.op cũng cam kết cung ứng đủ sản lượng hàng hóa với chất lượng bảo đảm như đã đăng ký, không đặt nặng việc kiếm lợi nhuận mà đồng hành với thành phố để chia sẻ khó khăn của người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay".
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op
Bình ổn giá từ kết nối cung - cầu
Năm nay, Saigon Co.op đăng ký tham gia chương trình bình ổn với 3 nhóm mặt hàng: nhóm phục vụ phòng chống dịch Covid-19 (3 mặt hàng: gel rửa tay, nước rửa tay, khẩu trang vải kháng khuẩn); nhóm lương thực thực phẩm thiết yếu (9 mặt hàng: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản) và nhóm phục vụ mùa khai giảng (đồng phục, tập học sinh). Các mặt hàng này đang được bán theo giá thống nhất của chương trình tại mạng lưới phân phối hơn 400 điểm bán tại TP HCM bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile và các tổng kho trải dài từ Nam đến Bắc. Điểm mới của chương trình bình ổn năm nay là Saigon Co.op đã có kịch bản chuẩn bị nếu dịch Covid-19 tái phát, khi đó lượng hàng bình ổn sẽ tăng từ 30%-40% so với tháng kinh doanh bình thường.
Để thực hiện điều này, Saigon Co.op thực hiện tốt công tác kết nối cung - cầu, xây dựng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu; mở rộng việc sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản, thực phẩm; giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa; hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm được nhanh chóng, ổn định.
Bình luận (0)