Được tổ chức từ năm 2002 với tên gọi ban đầu là bình ổn giá, qua 20 năm triển khai thực hiện, chương trình bình ổn thị trường (BOTT) TP HCM đã khẳng định tính hiệu quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn TP.
Một chương trình hiệu quả
Nói về ý nghĩa chương trình BOTT TP HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho hay, với vai trò là đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TP HCM tập trung đông lao động từ các tỉnh, thành đến lập nghiệp. Việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là những người dân nghèo, công nhân, người lao động thu nhập thấp - đối tượng chịu tác động đầu tiên và trực tiếp ngay khi giá cả hàng hóa thiết yếu có biến động - luôn là trăn trở và là trách nhiệm của TP.
"Trong bối cảnh đó, chương trình BOTT đã ra đời. Sau 20 năm thực hiện, cùng với sự phát triển của TP, chương trình đã có những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện để tiếp tục gần gũi, đồng hành với người nghèo, người thu nhập thấp; góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội của TP" - bà Phan Thị Thắng nêu.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy, trong giai đoạn khó khăn nhất, khi người dân hoang mang, đẩy mạnh thu gom tích trữ; hoạt động sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa gặp nhiều khó khăn; cộng đồng doanh nghiệp (DN) TP nói chung, DN bình ổn thị trường nói riêng đã chủ động, sáng tạo, kịp thời ứng phó tình hình mới, phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng rất cao, khẳng định được vai trò dẫn dắt thị trường, góp phần cùng TP giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc, duy trì các chuỗi cung ứng trong giai đoạn này.
Thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa, tỉnh Lâm Đồng cung cấp một lượng lớn rau xanh cho TP HCM
Thực tiễn 20 năm qua đã chứng minh chương trình BOTT là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ và chính quyền TP. Chương trình nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, được cả hệ thống chính trị kiên trì tổ chức, chỉ đạo và ngày càng lan tỏa, được Chính phủ, các bộ ngành trung ương đánh giá cao và chỉ đạo nhân rộng ra cả nước.
Từ mục tiêu ban đầu là ổn định giá cả ngắn hạn mùa Tết; đến nay chương trình đã trở thành công cụ điều tiết giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu thông qua điều tiết cung - cầu hàng hóa, giảm tối đa các biện pháp can thiệp hành chính lên giá bán; phát huy vai trò quyết định của thị trường trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông. Chương trình cũng đã phát huy mọi nguồn lực xã hội tham gia. Trong đó, kinh tế tư nhân, khu vực vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng đóng góp lớn vào hiệu quả chương trình. Nguồn vốn thực hiện chương trình cũng đã được xã hội hóa thông qua kết nối giữa ngân hàng và DN.
"Với tất cả những sự điều chỉnh này, TP HCM đang BOTT trong dài hạn, tập trung thúc đẩy sản xuất trong nước theo hướng hiện đại, năng suất cao; bảo đảm nguồn cung dồi dào, bền vững đồng thời phát triển nhanh hệ thống phân phối, nâng cao hiệu quả logistics, lưu thông hàng hóa, giảm chênh lệch từ giá thành sản xuất và giá bán tiêu dùng. Quy mô lẫn danh mục chương trình ngày càng mở rộng, giá bán trong chương trình được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời; bảo đảm hợp lý, có khả năng dẫn dắt thị trường, bảo đảm quyền lợi của DN, người tiêu dùng và luôn thấp hơn thị trường từ 5%-10%" - đại diện Sở Công Thương TP HCM nêu rõ.
Tạo nguồn cung hàng hóa ổn định cho cả vùng
Theo các chuyên gia kinh tế, bối cảnh hậu COVID-19 cùng với hàng loạt vấn đề như đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao… càng đặt ra yêu cầu BOTT không chỉ là bình ổn cho TP HCM mà phải là bình ổn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh, thành khác.
Hiện thực hóa yêu cầu này, trong nhiều năm nay, chương trình luôn xác định một trong những nội dung quyết định tạo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động, chất lượng, đủ để chi phối thị trường.
Do đặc thù riêng, nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu TP tự cung ứng khá hạn chế, chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương lân cận. Cụ thể, thịt heo, thịt gà, trứng gà chủ yếu từ Long An, Đồng Nai, Bình Dương...; thịt vịt, trứng vịt chủ yếu từ các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang...; rau củ quả chủ yếu từ Lâm Đồng, Tiền Giang; gạo chủ yếu từ An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang...
Do đó, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, công tác tạo nguồn hàng BOTT trên địa bàn TP luôn gắn chặt với chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành lân cận để tạo điều kiện thuận lợi và kiểm soát trong lưu thông hàng hóa.
Từ năm 2011 đến nay, TP HCM và các tỉnh, thành bắt tay triển khai chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu. Đến nay, các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN TP an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư nhà máy, mở rộng chuồng trại... Các DN BOTT TP đều có vùng nguyên liệu ổn định tại các tỉnh, thành. Phần lớn DN đều đã xây dựng các chuỗi liên kết, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài tại các tỉnh, thành. Riêng Saigon Co.op có hệ thống kho bãi, logistics, siêu thị phủ khắp cả nước, là đầu mối liên kết, thu mua tại chỗ các mặt hàng nông sản với những mặt hàng có sản lượng lớn được thu mua, cung cấp cho thị trường cả nước. Vissan liên kết với các trang trại chăn nuôi tại các địa phương tiêu thụ bình quân 30.000 tấn heo hơi/năm, 1.200 tấn bò hơi/năm. Sagrifood cung cấp bình quân mỗi năm 80.000 con heo hậu bị, heo con giống đến các trang trại chăn nuôi tại 23 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó 80% tại 15 tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam Bộ, chủ yếu tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương; Ba Huân có nhà máy chế biến thực phẩm, xử lý trứng tại Long An, Bình Dương, Hà Nội… hệ thống trang trại chăn nuôi, liên kết phủ khắp các tỉnh, thành…
"Các DN TP HCM có thế mạnh trong sản xuất, chế biến và phân phối hàng hóa, có thị phần và nguồn lực vốn thực hiện liên kết, hợp tác với DN các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, thực hiện các dự án sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu và mở rộng mạng lưới phân phối gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, thực hiện nhiệm vụ BOTT ngay tại các địa phương" - Phó Giám đốc Sở Công Thương đúc kết.
"Chương trình bình ổn thị trường có ý nghĩa quan trọng đối với ngành thương mại và đã trở thành thương hiệu quen thuộc đối với mọi tầng lớp nhân dân TP HCM".
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM
Xác định tham gia chương trình BOTT của TP HCM là trách nhiệm và quyền lợi của địa phương mình, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết trong 20 năm qua, Đồng Tháp cung ứng nguồn nguyên liệu an toàn, chất lượng với giá hợp lý cho TP HCM. Ngược lại, TP HCM giới thiệu các DN bán hàng bình ổn, đưa hàng bình ổn về bán ở Đồng Tháp, hình thành các chuỗi cung ứng hàng hóa tại tỉnh. "Hiện nay, giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất nông sản đang tăng cao, nhưng DN tỉnh Đồng Tháp vẫn bảo đảm cung ứng hàng hóa cho thị trường TP với giá ổn định, đã góp phần làm bình ổn giá cả hàng hóa" - ông Dũng thông tin.
Đồng Tháp là một trong những địa phương tích cực tham gia các hoạt động kết nối thị trường với TP HCM
Để tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đạt được từ 20 năm thực hiện BOTT, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đề xuất TP HCM chủ trì phối hợp các tỉnh nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác thương mại, liên kết vùng giữa các địa phương. Hỗ trợ vận động, giới thiệu hệ thống phân phối, DN tham gia hỗ trợ các địa phương thực hiện kết nối theo chiều sâu, theo chuỗi ngành hàng, gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ. Song song đó là sớm triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP HCM và các tỉnh, nhằm liên kết vùng giữa các địa phương, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi cung ứng phục vụ thị trường TP HCM và cung ứng hàng hóa lại cho các tỉnh góp phần bình ổn thị trường TP HCM và các tỉnh.
Bình luận (0)