Blockchain (chuỗi khối) là một nền tảng công nghệ giúp ghi chép dữ liệu theo phương thức sổ cái phân tán trên nền tảng các máy tính ngang hàng (P2P), sử dụng một hệ thống được mã hóa bởi các thuật toán phức tạp với cơ sở dữ liệu các bản ghi giao dịch phi tập trung, cho phép người dùng trong cộng đồng sử dụng có thể truy cập công khai nhưng không ai có thể can thiệp, sửa đổi.
Nền tảng của tiền ảo
Blockchain cũng là nền tảng để xây dựng các đồng tiền mã hóa (hay các ứng dụng công nghệ blockchain) hiện nay như bitcoin, ripple, ethereum… Blockchain cho phép tạo ra những bản ghi giao dịch minh bạch, lâu bền, chống sửa đổi, có thể truy vết giữa các bên tham gia hệ thống mà không cần đến bất kỳ bên trung gian tín nhiệm nào khác lưu giữ.
Từng khối dữ liệu trong chuỗi khối này chứa đựng các thông tin chi tiết của một giao dịch giữa hai bên bao gồm bên bán, bên mua, thời hạn hợp đồng, giá thỏa thuận... Đồng thời, khi một giao dịch được thực hiện, một khối dữ liệu mới sẽ được sinh ra để ghi nhận những thông tin chi tiết về giao dịch đó và ghép nối tiếp tục vào chuỗi khối dữ liệu của toàn bộ các giao dịch diễn ra trước đó.
Bitcoin - một loại tiền điện tử xây dựng trên công nghệ blockchain đang gây "sóng" trên thị trường tài chính Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Công nghệ này được đánh giá là tạo ra bước tiến mới trong ngành tài chính - ngân hàng (NH). Nối tiếp internet và công nghệ điện toán đám mây, blockchain được cho là một công cụ tiếp theo giúp các doanh nghiệp (DN) xóa bỏ nhiều rào cản để giao dịch nhanh hơn, chi phí có thể giảm đến 20 tỉ USD/năm trên toàn cầu. Lợi thế lớn nhất của blockchain là giúp các bên tham gia một giao dịch không cần phải tin tưởng nhau mà mọi thứ vẫn trơn tru, bảo đảm bảo mật, không có nguy cơ lừa đảo hay tội phạm tài chính. Tháng 6-2017, hãng IBM đã xây dựng công nghệ blockchain dành riêng cho 7 NH lớn nhất châu Âu (Deutsche Bank, HSBC, KBC, Natixis, Rabobank, Societe Generale và Unicredit) để tăng hiệu quả giao thương quốc tế cho các DN nhỏ và vừa.
Sự khác biệt của blockchain so với những công nghệ bảo mật, lưu trữ thông thường là nó không tồn tại ở một địa điểm cụ thể. Dữ liệu sẽ được blockchain phân tán trên hàng ngàn máy tính khắp thế giới. Khi cần khai thác và sử dụng dữ liệu, người dùng thông qua các thuật toán phức tạp và quá trình mã hóa có sự tham gia đồng bộ của nhiều máy tính sẽ nhóm các bản ghi số hóa thành từng chuỗi khối.
Bên cạnh đó, blockchain cũng được xem là hình thức lưu trữ minh bạch tuyệt đối. Mọi thành phần tham gia lưu trữ đều có quyền truy cập phiên bản đầy đủ. Dữ liệu một khi đã được cập nhật, nó không thể bị thay đổi hoặc xáo trộn mà chỉ có thể bổ sung và quá trình cập nhật diễn ra đồng thời trên tất cả máy tính trong mạng lưới. Nếu các dữ liệu gốc về giao dịch được thay đổi sau khi mã hóa thì chỉ cần có một chữ ký điện tử khác để nhắc nhở toàn mạng lưới về nội dung cần sửa.
Với bản chất phân tán của dữ liệu theo chuỗi khối, các hacker rất khó có thể truy cập tất cả phiên bản cùng lúc do quá trình mã hóa chỉ diễn ra một chiều. Dữ liệu như "cuộn chỉ rối" không thể bị giải mã ngược thành dữ liệu ban đầu. Nhờ vậy, blockchain bảo đảm độ an toàn và tính riêng tư gần như tuyệt đối, việc đánh sập hệ thống công nghệ blockchain là điều cực kỳ khó thực hiện. Mặt khác, một đặc thù của các NH là những quy trình thường bị chậm do phải chờ hoạt động kiểm tra của bên thứ ba. Nhưng khi được ứng dụng, blockchain loại bỏ yêu cầu sử dụng của một tổ chức trung gian nên sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ thanh toán, hạ thấp chi phí trong các giao dịch. Thay vì phải đợi nhiều ngày để thanh toán một tấm séc, một khoản thanh toán, blockchain cho phép kiểm tra, xác thực tấm séc, tài khoản đó trong vòng vài giây. Do đó, sẽ không còn tình trạng "tạm ứng trước" bởi các khoản ghi có và ghi nợ vào tài khoản là tức thời.
Nhiều ngân hàng nước ngoài ứng dụng
Theo khảo sát của hãng công nghệ IBM, trong 4 năm tới, 66% NH trên thế giới sẽ triển khai công nghệ blockchain ở quy mô thương mại. Hiện tại, phần lớn NH vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm. Hai NH HSBC và State Street đã thử nghiệm thành công blockchain trong các giao dịch trái phiếu. NH UBS và Santander thử nghiệm công nghệ này cho các giao dịch thanh toán quốc tế.
NH Hoàng gia Canada (RBC) với quy mô lớn nhất nước này đang triển khai công nghệ blockchain vào quy trình chuyển và nhận tiền với Mỹ. Được xây dựng trên nền tảng công nghệ mã nguồn mở duy trì bởi Tập đoàn Hyperlinker Blockchain, hệ thống thanh toán ứng dụng blockchain mới của RBC đã đi vào hoạt động thử nghiệm từ giữa tháng 9-2017 song song với hệ thống thanh toán hiện tại của NH. Công nghệ này cho phép NH kiểm soát được các khoản tiền chuyển qua lại giữa hệ thống NH Mỹ và Canada, kèm theo đó là vô số lợi ích như đơn giản hóa giao dịch hay giảm chi phí.
OCBC Bank của Singapore sẽ sử dụng công nghệ blockchain trong dịch vụ chuyển tiền nội địa và quốc tế, làm tăng hiệu suất, sự minh bạch, giảm chi phí và cải thiện trải nghiệm cho khách hàng. Các giao dịch thử nghiệm trên nền tảng công nghệ blockchain giữa NH này và các chi nhánh đã được thực hiện từ ngày 8-11-2016. Đây là sản phẩm thiết kế bởi OCBC Bank và công ty giải pháp thanh toán ngân hàng BCS Information Systems (BCSIS). Sau khi thực hiện thành công và tích hợp hoàn toàn vào hệ thống, nền tảng khối chuỗi của BCSIS sẽ cho phép thực hiện giao dịch liên NH giữa các NH ở Singapore và trên thế giới mà không cần trung gian thanh toán. OCBC Bank cũng sẽ mở rộng việc sử dụng công nghệ này sang các sản phẩm tài chính khác.
Từ ngày 15-12-2017, 61 NH tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã thử nghiệm công nghệ blockchain từ các nhà phát triển của Ripple ở Mỹ, bao gồm luôn cả nhiều tổ chức tài chính của Nhật Bản như Sumitomo Mitsui Banking Corp, Resona Bank và 2 NH lớn khác của Hàn Quốc nhằm mục đích rút ngắn thời gian chuyển tiền quốc tế từ nhiều ngày xuống còn 1 ngày, đồng thời chi phí sẽ được cắt giảm đến 30%. Nếu mọi chuyện theo đúng kế hoạch, hệ thống thanh toán blockchain của Ripple sẽ bắt đầu thực hiện những giao dịch chuyển vốn đầu tiên giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trong quý I/2018. Các NH Nhật Bản đã phát triển đầy đủ cơ sở hạ tầng cần thiết để thương mại hóa các chuyển đổi dựa trên blockchain. Đợt thử nghiệm xuyên biên giới dự kiến bắt đầu vào ngày 31-1.
Ngân hàng trong nước bắt đầu nghiên cứu
Từ thực tiễn trên cho thấy việc áp dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính - NH đang là xu thế phát triển mạnh trên thế giới, thu hút được sự quan tâm lớn từ phía các tổ chức NH - tài chính, Công ty Fintech, công ty khởi nghiệp, cùng tham gia.
Trong thời gian tới, công nghệ blockchain có thể được ứng dụng vào nhiều hoạt động khác nhau trong lĩnh vực tài chính - NH gồm: thanh toán và chuyển tiền; tài trợ thương mại, bao thanh toán; tiền kỹ thuật số do NH trung ương phát hành; giao dịch ngoại hối; giao dịch chứng khoán; bảo hiểm; các dịch vụ hỗ trợ khác (nhận biết khách hàng, phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố).
Tại thị trường Việt Nam, hiện chưa có tổ chức NH - tài chính nào công bố công khai chính thức áp dụng công nghệ blockchain cho kinh doanh, hoạt động nghiệp vụ. Tuy nhiên, không nằm ngoài xu thế của thế giới, một số NH cũng đã và đang có những nghiên cứu ban đầu đối với công nghệ này, hứa hẹn khả năng áp dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực NH tại thị trường Việt Nam trong tương lai gần.
Tuy nhiên, để phát triển công nghệ này trong lĩnh vực tài chính - NH tại Việt Nam, các tổ chức tài chính NH rất cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ từ phía Chính phủ cho tới các bộ ngành và sự tham gia của các NH thương mại, công ty chứng khoán, bảo hiểm, Công ty Fintech...
Nhiều tiện ích
Bảo mật cao: Dữ liệu chuyển tiền được ghi trên một sổ cái kỹ thuật số. Sổ cái này đã được mã hóa, không thể bị can thiệp. Việc này sẽ giúp thông tin giao dịch được bảo mật, giảm nguy cơ lừa đảo.
Thời gian thực hiện nhanh hơn: Khi không cần trung gian và xử lý thủ công như với các thanh toán bình thường, việc chuyển tiền sẽ được thực hiện trực tiếp giữa các NH, từ đó giúp giảm thời gian thực hiện. Ví dụ, giao dịch bình thường giữa 2 NH OCBC Singapore và OCBC Malaysia thường mất một ngày thì giờ chỉ cần chưa đến 5 phút.
Minh bạch hơn: Nhờ vào khả năng lưu trữ thông tin, dữ liệu giao dịch trong các chuỗi khối được liên kết, được xác thực trong toàn hệ thống và cùng với việc loại bỏ trung gian thanh toán, sự dịch chuyển của dòng tiền giữa người gửi và người nhận sẽ dễ theo dõi hơn.
Chi phí thấp hơn: Bản chất phân tán của sổ cái blockchain sẽ loại bỏ nhu cầu trung gian và xử lý thủ công, từ đó làm giảm chi phí.
Bình luận (0)