Chiều 26-5, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị cung cấp một số thông tin về tình hình cung ứng điện thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết Bộ đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện
Liên quan đến vấn đề nhập khẩu điện từ nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết đây là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị - kinh tế của Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn của quốc gia và được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia từng thời kỳ.
Theo ông An, việc nhập khẩu điện của Trung Quốc, Lào không phải mới, đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Trong đó, nhập khẩu điện từ Trung Quốc đã bắt đầu từ năm 2005.
Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc nhập khẩu điện được tính toán kỹ lưỡng các kịch bản nhằm đảm bảo việc nhập khẩu tỉ trọng nhỏ, đảm bảo tự chủ, an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với các điều kiện quan hệ chính trị - kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực.
Đối với việc nhập khẩu điện từ Lào, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết theo Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Việt Nam và Lào ký tháng 6-2016, tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam tối thiểu đến năm 2025 là 3.000 MW và đến năm 2030 là 5.000 MW. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các dự án, cụm dự án của Lào, với tổng công suất 2.689 MW.
Bên cạnh đó, để đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, ngoài huy động mọi nguồn trong nước, EVN cho biết đàm phán mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110 kV Thâm Câu - Móng Cái tháng 5, 6 và 7 với công suất 70 MW, và dự kiến đóng điện từ tuần sau. EVN cũng nhập khẩu điện từ Lào qua cụm nhà máy thủy điện Nậm Kông, Nậm San.
"Việc nhập khẩu điện dựa trên mối quan hệ giữa các nước láng giềng, Chính phủ giữa các nước cũng đã có cam kết về vấn đề này. Tỉ trọng điện nhập khẩu trong hệ thống điện hiện nay rất nhỏ"- ông An nói và nhấn mạnh việc hợp tác, chia sẻ năng lượng cũng được các Bộ trưởng năng lượng của khu vực ASEAN bàn thảo tại các hội nghị về vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng.
Đối với những khó khăn về cung ứng điện thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài, làm cho lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện (các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục có nước về kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua.
Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện. Bên cạnh đó, công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng suy giảm sâu do gió kém nên chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy.
Đặc biệt, từ cuối tháng 4 đến nay, thời tiết nắng nóng diễn ra khắc nghiệt trên diện rộng với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc tăng cao, đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện của khách hàng dân dụng gây nguy cơ thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng nếu không có những giải pháp kịp thời, quyết liệt hơn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan đảm bảo cung ứng điện. Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị lo đủ nhiên liệu cho việc sản xuất điện, đôn đốc các hợp đồng cung cấp nhiên liệu. "Trường hợp than chưa đủ, cần phải đi vay than, phải lo đủ nhiên liệu cho phát điện"- ông An cho hay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay với nhiều giải pháp được triển khai, đã cơ bản bảo đảm điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong bối cảnh các nguồn điện gặp rất nhiều khó khăn.
Bình luận (0)