Trước đó, Bộ GTVT đề xuất hỗ trợ cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua ôtô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ôtô chạy xăng, dầu sang xe ôtô điện khoảng 1.000 USD/xe. Đồng thời, đề xuất hỗ trợ về các loại thuế với hoạt động sản xuất, lắp ráp tiêu thụ cũng như xây dựng trạm sạc cho xe ôtô điện.
Theo Bộ Tài chính, giai đoạn vừa qua, đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với ngành ôtô, công nghệ hỗ trợ ôtô, bao gồm cả các sách để khuyến khích sử dụng ôtô thân thiện môi trường, ôtô điện hóa ở mức độ khá cao.
Liên quan đến phát triển ôtô điện hóa, Bộ Công Thương đang là đơn vị được giao chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô điện hóa. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng báo cáo trình Chính phủ về lộ trình và định hướng phát triển ôtô điện tại Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô nói chung, ôtô điện hóa nói riêng trong thời gian tới cần được nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng, đảm bảo bám sát định hướng chủ trương, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.
Đối với các kiến nghị của Bộ GTVT về chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu ôtô điện, Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đề xuất không điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các dòng xe điện nguyên chiếc.
Việc đặt vấn đề miễn thuế hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với xe ôtô điện nguyên chiếc như kiến nghị của một số doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô điện trong nước, gây áp lực lên hạ tầng giao thông và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Về các ưu đãi miễn, giảm thuế để sản xuất, lắp ráp ôtô điện, pin xe điện, Bộ Tài chính nêu rõ pháp luật về thuế hiện hành đã có những ưu đãi ở mức cao đối với hoạt động sản xuất lắp ráp ôtô điện trong nước và pin xe điện, không chỉ ưu đãi đối với việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng sản xuất ôtô điện mà còn có ưu đãi thuế có thời hạn, có trọng tâm, trọng điểm đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ôtô điện, pin xe điện.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh hiện các chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước ở nước ta ưu tiên dành cho các đối tượng là người nghèo, đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa và một số đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, Nhà nước còn phải cân đối nguồn lực để thực hiện nhiều chương trình, dự án về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng, việc đặt vấn đề trợ giá, hỗ trợ tài chính trực tiếp đối với các nhà sản xuất, người tiêu dùng ôtô điện hóa là chưa phù hợp vì những người sử dụng ôtô, đặc biệt là ôtô điện, là những người có thu nhập cao trong xã hội.
Bình luận (0)