Tại cuộc họp mặt báo chí cuối năm tổ chức vào hôm 27-12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định không áp trần lãi suất cho vay chung, chỉ giữ trần lãi suất 12% đối với 4 lĩnh vực được ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, DN làm hàng xuất khẩu, DN phụ trợ và bổ sung ngành công nghệ cao. Quyết định này đã gây ra những phản ứng khác nhau trong xã hội, đa phần là không đồng tình.
Quay lại cơ chế xin - cho
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho rằng quyết định này của NHNN là không thực tế, giả thuyết hạ lãi suất đầu vào kỳ hạn dưới 12 tháng thêm 1%/năm thì đầu ra cũng sẽ giảm tương ứng chỉ xảy ra… trên bàn giấy chứ không có giá trị áp dụng trong thực tế. Bằng chứng là trước đó, lãi suất đầu vào giảm còn 9%/năm, hiếm DN nào vay được với lãi suất dưới 13%/năm thì với mức huy động 8%/năm, khó có khả năng DN vay được với lãi suất 11%/năm. DN, các hiệp hội, chuyên gia kinh tế và cả các NH đã nhiều lần đề nghị nên bỏ ngỏ lãi suất đầu vào, áp trần lãi suất đầu ra để tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch giữa các NH và DN, đồng thời hướng các NH đến việc cắt giảm chi phí, cho vay có hiệu quả hơn đồng vốn huy động được.
“Quy định hiện tại rất dễ dẫn đến tình trạng “mua rẻ, bán đắt”. Các NH huy động giá thấp và thoải mái cho vay tùy thích, tùy mối quan hệ với DN mà áp mức lãi suất 11%, 13% hay 15%, 17%... Khi đó sẽ đẻ ra cơ chế xin - cho, DN sẽ khó tiếp cận vốn vay hơn và muốn vay được vốn giá rẻ sẽ phải “biết điều” với NH… Cũng không loại trừ khả năng với lãi suất 8%, người dân sẽ rút tiền về đầu tư kênh khác; NH muốn giữ khách phải huy động cao hơn thông qua các hình thức khuyến mãi, trả thưởng… ” - ông Minh phân tích.
Vài năm trở lại đây, lãi suất VNĐ tăng cao và điều chỉnh liên tục. Nhiều DN đã chuyển sang vay USD để được hưởng lãi suất ổn định hơn. Thế nhưng, Thông tư 03 của NHNN (áp dụng từ đầu năm 2013) về siết chặt vay ngoại tệ khiến nhiều DN chế biến hàng xuất khẩu không còn được vay USD mà buộc phải vay VNĐ. “Nếu lãi suất đầu ra thả lỏng, DN sẽ phải thương lượng để được lãi suất hợp lý và chắc chắn chi phí sản xuất sẽ đội lên nhiều so với thời điểm vay USD” - giám đốc một DN chế biến thủy sản xuất khẩu cho biết.
Nên áp trần lãi suất cho vay
Theo TS Đinh Sơn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, khi trần lãi suất huy động hạ về 8%/năm, lãi suất cho vay cũng nên điều chỉnh giảm tương ứng để hỗ trợ DN. Thời gian qua, nhiều lần lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức khá cao. Nếu các NH thương mại không giảm lãi suất, NHNN có thể áp dụng các biện pháp, kể cả biện pháp hành chính như áp trần lãi suất cho vay. Thực tế, tình hình kinh tế hiện nay chưa thể để cung cầu tự điều tiết nên cần bàn tay can thiệp của NHNN.
Đại diện tiếng nói của cộng đồng DN, ông Huỳnh Văn Minh cho rằng cách hỗ trợ tốt nhất là NHNN phải lành mạnh hóa hoạt động của các NH. Vào quý II/2012, vốn là vấn đề bức bách đối với các DN vì Nhà nước siết chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát. Còn hiện tại, vốn và lãi suất không còn là mối quan tâm hàng đầu mà là cách nào để giảm hàng tồn kho, làm ấm thị trường bất động sản.
Trần lãi suất cho vay 12% cho lĩnh vực ưu tiên hiện vẫn cao so với mức hấp thụ của DN. Trần lãi suất huy động và cho vay chỉ là giải pháp hành chính. NHNN cần phải tiến tới thả nổi lãi suất để thị trường vốn tự điều chỉnh theo cung cầu.
TS Cao Sỹ Kiêm (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) |
Bình luận (0)