Ngày 29-12, tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã báo cáo một số kết quả của ngành trong năm 2020 và các định hướng cho năm 2021.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, năm 2020, ngành xây dựng tăng trưởng 6,6 %, cao nhất trong các ngành kinh tế. Tỉ lệ đô thị hóa vượt mục tiêu, trong 5 năm có 7 đô thị mới, hiện nay cả nước đã có 862 đô thị và phân bố đồng đều trên cả nước, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trong 6 năm qua hầu như không có bóng bóng bất động sản - Ảnh: Quang Hiếu
Người đứng đầu Bộ Xây dựng cho biết, trong 6 năm qua hầu như không có bong bóng bất động sản, dù đã thu hút 17 tỉ USD vốn FDI trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có nhiều khu đô thị, khách sạn, resort mang tầm quốc tế và hơn nhiều nước trong khu vực.
Đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Bộ trưởng cho biết có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều công trình tỉ lệ nội địa hóa đã đạt đến 90 – 100%, nhiều vật liệu cạnh tranh ngang ngửa với thế giới.
Lãnh đạo ngành xây dựng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế về chất lượng quy hoạch, phát triển đô thị, công tác quản lý trật tự đô thị. Sang năm 2021, Bộ trưởng cho biết toàn ngành sẽ khắc phục các hạn chế trong quy hoạch đô thị, giải quyết các vấn đề đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt quan tâm đến hạ tầng kết nối vùng.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công. Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định tiếp thu các ý kiến đóng góp, kiến nghị của các địa phương và sẽ có giải pháp tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định toàn ngành đã cố gắng vượt qua các thách thức lớn trong năm 2020, trong đó có công tác kiểm soát, phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh các áp lực và thách thức sẽ tiếp tục trong những năm tiếp theo, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 vẫn luôn thường trực. "Bài học và nhiệm vụ cao nhất của chúng ta trong thời gian tới là cần phòng chống dịch bệnh. Vì chỉ cần lơ là lập tức sẽ gây hậu quả rất lớn cho kinh tế và xã hội, kéo lùi lại sự phát triển của xã hội. Chúng ta không được chủ quan, phải luôn luôn bám sát thực tiễn để ứng phó kịp thời"- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Đối với ngành công thương trong năm 2021 tới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẽ tập trung phát triển thị trường bao gồm cả thị trường nước ngoài và thị trường trong nước. Quan tâm tái cơ cấu tổ chức lại các ngành hàng, thị trường dịch vụ nội địa. Bên cạnh đó, triển khai, thực thi tốt các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh năm 2020 trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả kinh tế - xã hội, thu ngân sách khá toàn diện và tích cực.
Kết quả thu cân đối ngân sách Nhà nước đến hết 28-12 đạt 1,43 triệu tỉ đồng. Ước thu ngân sách cả năm đạt 1,47 triệu tỉ đồng, bằng 98,3% dự toán, cao hơn 148.000-150.000 tỉ đồng so với con số đánh giá tháng 8, tháng 9 để báo cáo Quốc hội.
Thu cân đối ngân sách địa phương ước vượt trên 40.000 tỉ đồng, bằng 106% dự toán. Đến nay có 56/63 địa phương thu nội địa vượt dự toán được giao, các tỉnh trọng điểm có Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh đánh giá vượt dự toán, một số địa phương chưa hoàn thành dự toán như TP HCM, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng.
Thu cân đối ngân sách Trung ương ước đạt 776.000 tỉ đồng, đạt 88,4% dự toán, cao hơn 51.000 tỉ đồng so với con số báo cáo Quốc hội.
Bình luận (0)