Báo cáo của cơ quan này cho thấy tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2012 tiếp tục gặp khó khăn, giá bất động sản nhà ở sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch.
Mặc dù, thông tin về ngân hàng giảm lãi suất, đồng thời đưa bất động sản ra khỏi danh mục lĩnh vực hạn chế cho vay đã có tác động nhất định đến thị trường, có một số người có nhu cầu thực đã quan tâm, nhưng giao dịch thành công không nhiều, phần lớn những nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa có niềm tin vào thị trường, vẫn còn tâm lý chờ giá hạ hơn nữa. Tình hình giao dịch trên thị trường nhìn chung vẫn rất ảm đạm.
Đáng chú ý, thị trường bất động sản tại TPHCM trầm lắng kéo dài từ hơn 3 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Nhiều doanh nghiệp bất động sản, kinh doanh dịch vụ nhà đất thực sự gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, phải vay vốn ngân hàng hoặc dựa vào vốn huy động từ khách hàng. Do đó, khi thị trường trầm lắng, những doanh nghiệp này đã bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của các ngân hàng, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, doanh nghiệp xây lắp...
Tình hình tồn kho vật liệu xây dựng, nhất là kính xây dựng, xi măng, gạch ốp lát... theo đó cũng tăng lên, hoặc các doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, không phát huy hết công suất của các nhà máy. Một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, phá sản, đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách và nền kinh tế.
Thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2012 tiếp tục gặp khó khăn
Khảo sát về thị trường bất động sản tại 2 địa phương tiêu biểu là Hà Nội và TPHCM của Bộ cho thấy giao dịch thành công tại Hà Nội rất ít trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu tại những dự án đã hoặc sắp hoàn thành; khách hàng phần lớn là những người ngoại tỉnh, các gia đình trẻ mua căn hộ chung cư đã hoàn thành có diện tích trung bình và nhỏ (từ 60 -100m2) với giá từ 1,5 - 2,5 tỷ đồng.
Những dự án chung cư đang thi công, các căn hộ diện tích lớn, các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng hoặc đang trong giai đoạn góp vốn rất ít có giao dịch.
Về giá nhà ở, trong 6 tháng đầu năm, giá căn hộ chung cư tiếp tục giảm; giá nhà biệt thự, nhà liền kề giảm mạnh tại những khu vực trước kia tăng giá bất thường, có những dự án giảm tới 50% so với thời kỳ đỉnh điểm (quý 1/2010), tương đương với giá bán ban đầu của chủ đầu tư, song vẫn rất ít giao dịch thành công.
Tại TPHCM, tình hình cũng không khả quan hơn khi giao dịch tiếp tục trầm lắng, lượng giao dịch thành công rất thấp, nhiều doanh nghiệp không mở bán các dự án mới trong giai đoạn này do không có khách hàng.
Mức giá cũng nằm ở mức khá thấp do đã được điều chỉnh giảm qua nhiều đợt trong suốt 2 năm qua. So với năm 2011, giá cả và giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2012 không biến động nhiều. Hiện nhiều chủ đầu tư đã chuyển dần sang hướng đầu tư các dự án chung cư căn hộ diện tích nhỏ, có giá bán khá thấp. Tuy nhiên, giao dịch thành công cũng không nhiều.
Đánh giá về những mặt được và chưa được trong 6 tháng qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận bên cạnh những mặt được, vấn đề phát triển nhà và thị trường bất động sản trong 6 tháng qua vẫn bộc lộ một số hạn chế. Chẳng hạn như việc phát triển nhà ở chưa quan tâm đúng mức đến nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Thị trường nhà ở phi hàng hóa có sự can thiệp của Nhà nước để phục vụ các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp tại các đô thị chưa được đáp ứng.
Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển nhà ở còn hạn chế. Cơ cấu hàng hóa bất động sản nhà ở vẫn còn mất cân đối, thiếu hàng hóa quy mô nhỏ và vừa, có giá phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà cho thuê.
Theo Bộ Xây dựng, do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, trong nước được dự báo là sẽ tiếp tục khó khăn nên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản. Do đó, thị trường bất động sản trong thời gian tới được dự báo là sẽ tiếp tục khó khăn, chưa thể sôi động ngay được. Với những doanh nghiệp không cân đối được dòng tiền để trả nợ và duy trì sản xuất thì có thể dẫn đến phá sản.
Việc thiếu vốn và nợ đọng của chủ đầu tư không những làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng mà còn ảnh hưởng tới việc làm, đời sống của người lao động.
Trước thực tế đó, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, nhiệm vụ ưu tiên trong 6 tháng cuối năm của bộ và ngành xây dựng vẫn là tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng...
Cũng tại hội nghị, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, tình hình đầu tư các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, tính đến nay, các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư 103 dự án, quy mô hơn 4,3 triệu m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho trên 86.900 người thu nhập thấp. Hiện đã có 10 dự án hoàn thành với 151,6 nghìn m2 sàn, tương đương 3.400 căn hộ, tổng mức đầu tư là 933 tỷ đồng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 13.000 người.
Nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp có 133 dự án đã đăng ký với quy mô trên 4 triệu m2 sàn, tổng mức đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng, đáp ứng chỗ ở cho hơn 400 nghìn công nhân.
Trong đó đã có 85 dự án được triển khai với số vốn khoảng 4.000 tỷ đồng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 160 nghìn công nhân. Hiện có 62 dự án đã hoàn thành, phục vụ chỗ ở cho khoảng 67.600 công nhân.
Bình luận (0)