Đây là ý kiến được các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng năm 2012 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 23-9 tại TPHCM.
Nhiều bệnh trong nền kinh tế
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam, cho biết lạm phát vẫn đang là vấn đề nóng đối với sự phát triển kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Theo Ngân hàng (NH) Nhà nước, lạm phát vẫn cao qua thống kê 8 tháng đầu năm 2011, ở mức 15,68% so với cuối năm 2010 và tăng 23,02% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cả hàng hóa liên tục tăng, người tiêu dùng cân nhắc trong việc mua sắm. Ảnh: HỒNG THÚY
PGS-TS Võ Đại Lược, Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, nhận xét kinh tế nước ta đang rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp, lạm phát cao nên có khả năng bị đình trệ. Lạm phát cao liên tục từ năm 2007 đến nay và có thể lên tới 20% trong năm 2011 này. Hậu quả là lãi suất huy động và cho vay tăng rất cao, vượt xa mức lợi nhuận các doanh nghiệp (DN) có thể có. “Đến một lúc nào đó, DN vay vốn sẽ không trả được nợ làm gia tăng nợ xấu, gia tăng rủi ro cho các NH. Lãi suất huy động cao (14%) nhưng vẫn thấp hơn lạm phát (23%) khiến người dân chuyển hướng sang mua vàng, USD làm thị trường vàng, USD có những diễn biến phức tạp” – ông Lược dẫn chứng.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh đặt vấn đề phải đánh giá đúng tình hình: Nền kinh tế nước ta đang rơi vào tình trạng xấu nhất từ năm 1991 đến nay. “Đang có nhiều bệnh trong nền kinh tế, như đầu tư công dàn trải, hoạt động yếu kém của các DN Nhà nước… khiến lạm phát cứ lặp đi lặp lại theo kiểu “khứ hồi”. Liều thuốc về chính sách tiền tệ mới chỉ là một phần, quan trọng chính là bội chi ngân sách, đầu tư kém hiệu quả” – TS Lê Đăng Doanh nói.
Phải mạnh tay cắt giảm đầu tư công
Trong 9 tháng đầu năm 2011, tổng vốn đầu tư công cắt giảm đạt 80.550 tỉ đồng, bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm 2011. Tuy nhiên, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng con số cắt giảm này vẫn chưa đáng kể. GDP của Việt Nam mỗi năm đạt 100 tỉ USD nhưng phải “gồng gánh” cho 100 cảng biển, 20 cảng quốc tế, 22 sân bay, 18 khu kinh tế ven biển, 27 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp, 650 cụm công nghiệp… Việc đầu tư công kém hiệu quả còn khiến nhiều tập đoàn có thể thua lỗ cao trong năm nay như EVN lỗ 11.669 tỉ đồng, Petrolimex lỗ 1.200 tỉ đồng, Vinashin lỗ 3.092 tỉ đồng…
TS Lê Đăng Doanh nói mức cắt giảm đầu tư công chưa tương xứng với yêu cầu ổn định kinh tế. Trong khi viện phí tăng, tiền trường tăng thì chi tiêu của cơ quan Nhà nước vẫn xa xỉ từ việc sử dụng xe công, chi phí chiêu đãi, tham quan… Lúc này, cần xem xét một cách nghiêm túc kế hoạch 2 năm tới, mở rộng Nghị quyết 11 thành chương trình đổi mới, không chỉ trong ngắn hạn mà phải dài hạn để khôi phục niềm tin của người dân, các nhà đầu tư. “Khâu trọng tâm là cải cách các tập đoàn kinh tế Nhà nước, DN Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, công khai minh bạch như những công ty niêm yết trên sàn chứng khoán” – TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng đã đến lúc phải áp dụng quyết liệt chính sách tài khóa để giảm lạm phát. Nhà nước nên giảm chi ngân sách mạnh mẽ song song với giảm thu. “Thuế của Việt Nam ở mức cao nhất trong khu vực. Lúc này, chúng ta cần chuyển hướng sang việc xử lý vấn đề đình trệ, lạm phát là cứu DN bằng cách giảm thuế từ 25% hiện nay xuống khoảng 22%” – ông nói.
Thêm biện pháp ổn định tỉ giá Theo chuyên gia kinh tế TS Phạm Đỗ Chí, gần đây NH Nhà nước đã mua vào 6 tỉ USD bổ sung dự trữ ngoại hối nhưng chỉ trong 3 tuần vừa qua đã tiêu hết 1,5 tỉ USD khi tỉ giá vượt 21.000 đồng/USD. Chênh lệch giữa huy động – cho vay USD có thể 7-8 tỉ USD vào cuối năm, NH Nhà nước làm sao thỏa mãn nhu cầu mua USD trả nợ vay của DN? Đáp lại, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ NH Nhà nước, cho rằng chênh lệch huy động và cho vay ngoại tệ cao nhưng vẫn có giải pháp. Theo bà, bản thân các NH thương mại có thể đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của DN từ nguồn vốn nước ngoài, một phần vốn tài trợ và ủy thác đầu tư từ nước ngoài… Cùng với các biện pháp như tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ, thanh tra các NH thương mại, sắp tới, NH Nhà nước sẽ đưa thêm biện pháp hạn chế tín dụng ngoại tệ, ổn định tỉ giá. |
Bình luận (0)