Ngày 29-7, khi phóng viên Báo Người Lao Động đề cập thông tin nợ thuế của doanh nghiệp (DN) có sai lệch mà nguyên nhân được ngành thuế đổ cho phần mềm quản lý tập trung (TMS) bị lỗi kỹ thuật, một cán bộ của Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cho biết TMS là phần mềm do Bộ Tài chính mua rồi giao cho Tổng cục Thuế quản lý, điều hành, cài đặt cho các chi cục, cục thuế địa phương, vừa hoàn thiện vào tháng 4-2015.
“Nhắm mắt” công bố
Sau khi trang bị phần mềm TMS, từ đó đến nay có nhiều cán bộ thuế được tập huấn sử dụng, đồng thời phần mềm này đang trong giai đoạn chạy thử nên thường xuyên bị trục trặc khiến nhiều dữ liệu không chính xác. “Mọi trục trặc của phần mềm TMS Tổng cục Thuế đều biết và liên tục tìm biện pháp khắc phục nhưng đến nay nó vẫn còn bị lỗi” - vị cán bộ này nói.
Chúng tôi thắc mắc: Dữ liệu DN nợ thuế chưa chính xác và cơ quan thuế đã biết trước nhưng vì sao vẫn công bố? Vị cán bộ của Tổng cục Thuế cho biết trên cơ sở dữ liệu của phần mềm TMS, các chi cục thuế địa phương, cục thuế các tỉnh, thành phố bước đầu sẽ nắm bắt được số nợ rồi mời DN lên đối chiếu. Trường hợp số liệu sai lệch thì cơ quan thuế sẽ điều chỉnh bằng thủ công. Còn số liệu trên phần mềm TMS, các chi cục, cục thuế địa phương không có quyền điều chỉnh.
Thông thường, trước khi công bố danh tính DN nợ thuế, các chi cục, cục thuế địa phương phải đối chiếu số liệu rồi mới thực hiện. Giả sử cơ quan thuế thông báo nợ thuế 10 tỉ đồng nhưng DN cho rằng không đúng, khi đó cơ quan thuế và DN tiến hành kiểm tra, đối chiếu số liệu để “chốt” số nợ chính xác. Việc sai sót mà DN phản ánh có thể do các chi cục, cục thuế địa phương không hoặc chưa kiểm tra toàn bộ thông tin trước khi công bố DN nợ thuế.
“Ví dụ, DN có số tiền thuế phải đóng là 100 tỉ đồng và đã nộp đủ, được thể hiện qua 10 chứng từ. Thế nhưng, khi nhân viên thuế nhập dữ liệu vào phần mềm TMS thì hệ thống chỉ “ăn” 8 chứng từ. Đó là chưa kể có trường hợp DN nợ thuế thực tế 100 tỉ đồng nhưng phần mềm TMS lại đưa ra con số 120 tỉ đồng. Nếu các cơ quan thuế địa phương không kiểm tra đối chiếu, danh sách nợ thuế được gửi thẳng đến Tổng cục Thuế thì DN khó tránh bị oan” - một lãnh đạo Cục Thuế TP HCM giải thích thêm.
Xin lỗi rồi xong?
Theo thống kê, hiện có gần 50 DN phản ánh số liệu nợ thuế do Tổng cục Thuế công bố không chính xác hoặc họ không có nợ thuế. Tại TP HCM có khoảng hơn 20 DN; Hà Nội có 34 DN, trong đó 7 DN không nợ một đồng nào cũng lọt vào danh sách nợ thuế với số tiền từ 10-50 tỉ đồng, gồm Công ty CP Chứng khoán MB, Công ty Bất động sản Hồng Ngân, Công ty CP Xây lắp điện 1, Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 1, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Ba Đình, Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội.
Tại Sóc Trăng, ngày 29-7, ông Lâm Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Sóc Trăng, cho biết đã có công văn gửi Cục Thuế tỉnh đề nghị giải thích rõ vì sao bị bêu tên nợ thuế trên 184 tỉ đồng trong khi DN không nợ thuế. Ông Phạm Chí Đô, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng, xác nhận: Công ty Xổ số kiến thiết Sóc Trăng là DN nộp thuế tốt. DN bị bêu tên oan là do ứng dụng phần mềm của Tổng cục Thuế. “Ở phần mềm này, một ngày nợ thuế cũng được ghi nhận là nợ nhưng thực tế các DN đang hoàn tất thủ tục để nộp” - ông Đô nói.
Tuy ngành thuế đang chữa cháy bằng cách rà soát lại thông tin nợ thuế, công khai xin lỗi nhưng nhiều DN cho rằng việc Tổng cục Thuế “nhắm mắt” công bố thông tin không chính xác đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu, hoạt động của DN. Bởi lẽ, thông tin nợ thuế thể hiện DN đang yếu kém về tài chính, hệ quả có thể xảy ra là các đối tác không dám làm ăn với DN bị bêu tên oan.
Tổng cục Thuế nhận lỗi bêu tên oan
Thông tin từ Tổng cục Thuế tối 29-7 cho biết cơ quan này đã có văn bản chỉ đạo các cục thuế khẩn trương rà soát, đối chiếu số liệu; trường hợp chênh lệch về số liệu so với thông tin đã công bố thì điều chỉnh ngay, bảo đảm sát đúng với thực tế.
Về nguyên nhân sai sót, do Tổng cục Thuế đang thực hiện chuyển đổi ứng dụng phần mềm quản lý, trong quá trình chuyển đổi dữ liệu có thể có sai sót. Cũng không loại trừ nguyên nhân chủ quan do yếu tố con người, do bất cẩn dẫn đến nhầm lẫn.
Tổng cục Thuế cũng cho biết đã nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và nhận lỗi với các doanh nghiệp về các phiền hà trong thời gian qua trong việc sai sót đang tiếc trong quá trình cập nhật số liệu nợ thuế. Kết quả rà soát bước đầu Cục Thuế TP HCM báo cáo có 26 doanh nghiệp không nợ thuế đã được đưa ra khỏi danh sách và 2 doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh số liệu nợ thuế. Cục Thuế Hà Nội có 8 trường hợp được đưa ra khỏi danh sách và 27 trường hợp cần điều chỉnh. Ph.Nhung
(*) Xem Báo NLĐ từ số ra ngày 29-7
Bình luận (0)