Ngày 4-6 đánh dấu mức giảm sâu của các sản phẩm xăng dầu khi giao dịch xăng A92 trên thị trường Singapore chỉ còn 104 - 105 USD/thùng, thấp hơn 5 - 6 USD so với giá trung bình 10 ngày gần đây và là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2.
Doanh nghiệp lãi lớn
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá xăng dầu thế giới tiếp tục xu hướng giảm kể từ cuối tháng 4 đến nay và là đợt giảm giá dài ngày nhất kể từ tháng 12-2009. Bình quân 29 ngày đầu tháng 5, giá xăng dầu thành phẩm thế giới giảm 6,99%-9,61% tùy từng chủng loại so với bình quân tháng 4.
Doanh nghiệp xăng dầu đang lãi lớn nhưng giá xăng dầu trên thị trường vẫn chưa giảm. Ảnh: TẤN THẠNH
Đón đầu xu hướng giảm giá xăng, mấy ngày nay, các cây xăng chờ gần hết hàng mới nhập, không dám ôm hàng để tránh thiệt hại khi Nhà nước giảm giá.
Điều gì cản trở giảm giá?
Theo Nghị định 84, giá cơ sở được tính bình quân của 30 ngày dự trữ lưu thông. Thời gian dãn cách giữa 2 lần điều chỉnh giảm giá liên tiếp tối đa là 10 ngày. Việc giảm giá được thực hiện khi giá cơ sở giảm trong phạm vi 12% và khi giá cơ sở giảm hơn 12%, Nghị định 84 cho phép không hạn chế số lần và khoảng thời gian giữa 2 đợt giảm giá, sau khi đã áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính như thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá.
Một chuyên gia phân tích giá xăng dầu thế giới đã giữ nguyên xu hướng giảm từ hơn một tháng nay, từ 130 USD/thùng xăng A92 trong thời điểm cuối tháng 4
xuống còn 105 USD/thùng vào đầu tháng 6. Xét cả về tiêu chí giá cơ sở được tính bình quân của 30 ngày dự trữ lưu thông và mức giảm đã lên đến hơn 14% thì đã đủ điều kiện để giảm giá bán lẻ trong nước. Lẽ ra giá xăng dầu phải giảm vì tính từ mốc giảm giá xăng gần đây nhất là ngày 23-5, đến nay đã là 15 ngày, vượt quá thời hạn quy định tối đa tại Nghị định 84.
Hiện nay, giá xăng thành phẩm A92 thế giới đã ngang bằng với mức giá cuối năm 2011, đầu năm 2012, khi chỉ ở quanh mức 110 USD/thùng nhưng giá bán lẻ xăng A92, trong nước hiện nay là 22.700 đồng/lít, trong khi giá bán ở thời điểm đầu năm nay chỉ là 20.800 đồng/lít.
Thị trường phức tạp Lãnh đạo một DN xăng dầu tiết lộ: Do đã có lãi khá nên hiện thị trường xăng dầu đang có cuộc chạy đua tăng chiết khấu cho đại lý giữa các DN để tiêu thụ hàng.
Mức chiết khấu thấp nhất hiện nay đã lên đến 700 đồng/lít, còn mức phổ biến là từ 800 - 900 đồng/lít (trong khi công thức tính giá cơ sở chỉ cho phép trích đến 600 đồng).
Sở dĩ có tình trạng trên là do trước đó, khi giá xăng dầu thế giới còn cao, kinh doanh không có lãi, nhiều DN đầu mối nhỏ chỉ nhập nhỏ giọt. Nay giá thế giới xuống thấp, kinh doanh có lãi cao, họ đua nhau nhập hàng để bán, dẫn đến cuộc đua chiết khấu để tiêu thụ hàng.
Ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), cho rằng các Bộ Tài chính, Công Thương cần nhanh chóng điều chỉnh giảm giá xăng dầu kết hợp với điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu.
Nếu không điều chỉnh kịp thời, không chỉ Nhà nước và người tiêu dùng đều thiệt mà thị trường xăng dầu sẽ càng thêm phức tạp.
N.Hải |
Bình luận (0)