Bao nhiêu cũng có
Trưa một ngày cuối tháng 9, tại quán bia Hải Linh ở cửa Bắc, khu đô thị mới Phú Lộc 4, phường Hoàng Văn Thụ - TP Lạng Sơn, sau nhiều cuộc điện thoại và gần 1 giờ chờ đợi, tôi được gặp Quyết, một ông chủ quê ở Bắc Giang, có hơn 10 năm buôn thịt bẩn tại TP này. Hiện mỗi tuần, Quyết cung cấp cho các mối tại TPHCM khoảng 1 tấn nầm heo.
Sau khi “kiểm tra tư cách” và biết tôi có nhu cầu mua nầm, tràng heo đưa về Hà Nội, Quyết tuyên bố: “Số lượng không thành vấn đề, cần bao nhiêu có bấy nhiêu. Hiện nay, giá nầm tôi giao cho đại lý tại Hà Nội từ 85.000 đến 88.000 đồng/kg, nếu nhận hàng tại đây, giá thấp hơn”. Quyết cho biết thêm: “Mỗi lần, ít nhất phải lấy 1 thùng (50-75 kg - PV), mỗi lần lấy hơn 1 tạ thì được tính theo giá bán buôn. Nếu nhận hàng tại Hà Nội, tôi cho xe chở đến tận nhà rồi nhận tiền. Nhận hàng số lượng ít ở Lạng Sơn, anh thuê xe khách vận chuyển, mất hàng tự chịu. Nếu mua số lượng lớn, chở đến Hà Nội, hàng bị thu giữ, lái xe phải đền 100% giá trị lô hàng”.
Trước đây, hàng được giao nhận tại bến xe nhưng gần đây, do bị bắt giữ nhiều, chủ hàng chỉ giao hàng tại một điểm nào đó do họ chọn.
Khi tôi nói muốn xem hàng để biết chất lượng, Quyết nói thẳng: “Anh không thể xem hàng ở đây. Nếu thỏa thuận được giá, tôi sẽ cho “lính” ở Hà Nội mang một thùng đến cho anh xem. Còn hàng, tôi để ở kho dưới Bắc Giang”. Thấy tôi có vẻ ngần ngại, Quyết giới thiệu tôi cho một chủ hàng lớn nhất trong giới buôn nội tạng ở TP Lạng Sơn hiện nay.
Cất giấu nhiều nơi
Cuộc điện thoại của Quyết là “giấy thông hành” giúp tôi tiếp cận bà Sáu Nghiệp. Bà Sáu Nghiệp hẹn gặp tôi vào chiều tối ở một quán cà phê nằm trên đường Bà Triệu, TP Lạng Sơn. Tuy nhiên, khi đến nơi, bà lại yêu cầu tôi lên chiếc ô tô 7 chỗ để đến địa điểm khác. Sau một lúc chạy loanh quanh, chiếc ô tô lao ra quốc lộ, trực chỉ hướng thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc - Lạng Sơn. “Em thông cảm, giờ làm ăn phải cẩn thận, kín đáo, nếu không thì sạt nghiệp” - bà chủ phân trần. Sau đó, đến khu Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng, chiếc ô tô rẽ vào một căn nhà nằm trong hẻm.
“Chị quê Vĩnh Phúc, lên đây buôn bán từ năm 1996. Ở đây, chẳng ai buôn nhiều hơn chị đâu. Chị là người thứ 2 ở đất Lạng Sơn làm nghề này, chỉ sau tay Trúc ở Bắc Giang nhưng hắn đã bỏ nghề và về quê lâu rồi” - bà Sáu Nghiệp tự giới thiệu. Ngay sau đó, bà đon đả: “Em gặp chị là đúng người rồi, mà em lấy hàng nhiều không. Chị bỏ mối cho khắp Hà Nội và nhiều tỉnh khác. Bây giờ, chốt giá thế này nhé, giao tại Hà Nội, tràng 85.000 đồng/kg; nầm có 3 loại, loại 1 là 85.000 đồng/kg, loại 2 thì 75.000 đồng/kg, loại 3 chỉ 60.000 đồng/kg; mỗi tạ trừ 3 kg hao hụt. Còn nếu lấy hàng ở tại Đồng Đăng, giá thấp hơn 12.000 đồng/kg so với giao tại Hà Nội, tùy em chọn”. Theo bà Sáu Nghiệp, giá vận chuyển hàng từ phía biên giới Trung Quốc về đến Đồng Đăng, khoảng 3 km, là 2.500 đồng/kg. Trong đó bao gồm cả công cửu vạn, tiền “bao đường”.
Khi tôi hỏi về khả năng cung cấp cũng như chất lượng hàng, bà Sáu Nghiệp khẳng định: “Ngày nào chị cũng giao hàng về Hà Nội. Em muốn lấy mấy tấn cũng có”.
Được biết, mỗi ngày, bà Sáu Nghiệp dùng chiếc ô tô nói trên để chở nầm, tràng heo mua từ Trung Quốc, qua trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt ở huyện Cao Lộc rồi vào TP Lạng Sơn.
Khi tôi đề nghị được xem hàng, bà Sáu Nghiệp nói: “Xem hàng ở đây thì không được. Kho của chị đặt ở dưới Bắc Giang. Dưới kho hiện có 3 tấn hàng. Nếu muốn xem hàng, chị sẽ gửi về Hà Nội 1-2 thùng cho em”.
Cuộc trò chuyện giữa tôi và bà Sáu Nghiệp liên tục bị ngắt bởi nhiều cuộc điện thoại đặt hàng từ Hà Nội, Nam Định. Có một điểm giống nhau giữa các đầu nậu buôn nầm, tràng thối từ Trung Quốc là luôn xé lẻ hàng và cất giấu ở nhiều địa điểm và không bao giờ cho khách đến kho xem hàng.
Xử lý bằng hóa chất
Nầm, tràng heo được các đầu nậu thu mua tại chợ Lũng Vài bên kia biên giới Việt - Trung. Giá mua bên đó chỉ khoảng 12.000 đồng/kg. Sau khi cửu vạn tuồn qua được biên giới, sẽ được vận chuyển về tập kết ở Đồng Đăng, sau đó chuyển vào TP Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh hoặc chuyển ra ga tàu Đồng Đăng để về Hà Nội. Có khá nhiều đầu nậu ở Lạng Sơn, trong đó có Quyết, bà Sáu Nghiệp, chọn Bắc Giang để làm địa điểm đặt kho hàng. Khi khách có nhu cầu, hàng được vận chuyển nhanh và thuận tiện hơn. Theo bà Sáu Nghiệp, hiện mỗi ngày, các chủ buôn ở Lạng Sơn cung cấp 3-4 tấn nầm, tràng heo cho Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, TPHCM. Sau khi về Việt Nam, nầm, tràng heo bẩn được xử lý bằng hóa chất để hàng không còn hôi thối, bảo quản được lâu hơn và từng ngày, từng giờ hủy hoại sức khỏe người tiêu dùng. |
Bình luận (0)