Không đoàn chủ tịch, không cổ cồn, cravat, không đọc báo cáo mà chia sẻ thông tin, kinh nghiệm một cách giản dị nhất.
Đó là những đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tại Cà phê doanh nhân được tổ chức chiều 14-3 tại Hà Nội, ngay sau lễ công bố báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 diễn ra sáng cùng ngày.
Theo ý tưởng ban đầu thì đây là cuộc hội thảo chia sẻ thực tiễn tốt trong cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh, với nhiều tham luận đã được "đặt hàng".
Nhưng sau đó, không gian hội thảo đã được thay bằng Cà phê doanh nhân với bàn tròn, với trà, cà phê, cùng những sẻ chia không nặng về ngôn ngữ báo cáo.
Cảm hứng của sự thay đổi này, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc là bắt nguồn từ hiệu quả của mô hình cà phê doanh nhân - nơi doanh nhân và lãnh đạo địa phương thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn và hiến kế cho phát triển - được một số tỉnh tổ chức trong mấy năm gần đây.
"Từ diễn dàn này tôi phát động và tôi hy vọng Cà phê doanh nhân sẽ trở thành không gian và cơ chế tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp đặc sắc ở Việt Nam. Và cà phê doanh nhân sẽ được tổ chức như một văn phòng mở ở tất cả các hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước. Hy vọng “Cà phê doanh nhân” ở Việt Nam sẽ được ghi vào từ điển kinh tế thế giới" - ông Lộc nói.
Những thực tiễn tốt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là chủ đề xuyên suốt của Cà phê doanh nhân lần đầu tiên vượt khỏi quy mô địa phương. Và địa phương đứng đầu - Đà Nẵng đương nhiên không thể vắng bóng.
12 năm xếp hạng PCI thì 7 lần đứng đầu, trong đó có 4 năm liên tiếp 2013 - 2016, "chìa khoá" thành công của Đà Nẵng nằm ở chính quyền thân thiện với doanh nghiệp, nhất quán trong lời nói và hành động, từ lãnh đạo cao nhất đến đội ngũ công chức hàng ngày giải quyết công việc liên quan đến doanh nghiệp.
Nói thì thế, nhưng làm cũng không hề đơn giản. Vị phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chia sẻ, năm 2004 thành phố cũng đã lấy chủ đề là "năm doanh nghiệp" nhưng kết quả đạt được không bao nhiêu. 10 năm sau, 2014 lại được Đà Nẵng xác định là năm doanh nghiệp và thực hiện hết sức quyết liệt, có chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới theo chương trình đó. Doanh nghiệp rất tin tưởng vào sự nhất quán này.
7 lần vô địch, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc là có liên quan đến "đẳng cấp" của Đà Nẵng, trong đó có việc ứng xử rất "đẳng cấp" khi "người hùng" rớt hạng.
Ông Lộc kể, khi Đà Nẵng "rơi" xuống vị trí gần 20, vị lãnh đạo cao nhất của thành phố nhận được tin và nói rằng rớt như thế là đúng, như thế là doanh nghiệp còn nhẹ tay chứ lẽ ra còn phải rớt sâu hơn. Nhờ tiếp nhận với tâm thế đó mà Đà Nẵng đã trở lại ngôi vô địch ngay sau đó.
Lễ công bố PCI lần này, Bí thư Đà Nẵng cũng đích thân tham dự. Trước lãnh đạo của trên 50 tỉnh, thành cả nước, ông nói rằng Đà Nẵng cố gắng hết mình không phải để dành danh hiệu hay vị trí mà để giữ niềm tin của doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp có niềm tin thì làm ăn mới hiệu quả, thành phố mới có nguồn thu thuế và người dân có công ăn việc làm.
Quan điểm này có thể cũng là của chung nhiều lãnh đạo tỉnh. Nhưng ứng xử với PCI cũng có nhiều sắc thái.
Một vị đại biểu có mặt từ rất sớm trong buổi lễ công bố báo cáo sáng 14/3 cho biết: tại lễ công bố PCI 2016 có một chi tiết không chắc là nên dùng từ "thú vị" hay không? Đó là, sau khoảng 15 phút đọc báo cáo xếp hạng, lãnh đạo cùng tùy tùng của một số địa phương "vội vã" đứng dậy bỏ về, để trống nguyên mấy hàng ghế với những biển tên mà ban tổ chức không kịp cất.
Khi kiểm tra lại bảng xếp hạng, mới hiểu đó là đại diện của các tỉnh bị tụt hạng.
Bình luận của vị này là: dường như lãnh đạo một số địa phương chỉ quan tâm đến thứ hạng mà hoàn toàn không muốn lắng nghe những phân tích, khuyến nghị của các chuyên gia hay học hỏi thực tiễn tốt từ các địa phương khác.
Ứng xử với PCI như thế, chặng đường cải thiện môi trường kinh doanh còn gian nan!
Bình luận (0)