Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp trong quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng từ tháng 5-2020.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tháng 6-2020 tăng 10,3% so với tháng trước.
Đi vào cụ thể từng ngành, Bộ Công Thương cho biết, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu linh phụ kiện từ Trung Quốc trong thời gian đầu năm 2020, tuy nhiên nhờ cân đối hợp lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành điện tử vẫn tăng trưởng khá cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tháng 6 tăng 29,3% so với tháng trước và tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất của ngành tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm 2019 (3,5%).
Panasonic Việt Nam đang chuẩn bị tiếp nhận dây chuyền sản xuất tủ lạnh, máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan, vào đầu tháng 9 tới - Ảnh: Panasonic Việt Nam
Giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 19,28 tỉ USD, tăng 24,2%; mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 21,5 ỉUSD, giảm 8,4%. Dự kiến 6 tháng cuối năm, ngành điện tử vẫn bị ảnh hưởng lớn do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Trong khi đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này.
Thực tế cũng cho thấy hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam: LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng.
Bên cạnh đó, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 - 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang.
Ngoài ra, Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay sẽ từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan. Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới.
Trước đó, trong các cuộc họp bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần các biện pháp, cách làm thiết thực, cụ thể để tranh thủ luồng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao.
Theo Thủ tướng, các nhà đầu tư đều bày tỏ tin tưởng, coi Việt Nam là điểm đến an toàn, vì vậy Việt Nam có cơ hội, có nhiều lợi thế đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19. Để đón đầu làn sóng này, thu hút các “đại bàng” đến làm tổ, cần có các giải pháp thích hợp.
Bình luận (0)