Dù đã gần cuối tháng 7 nhưng tỉ lệ doanh nghiệp (DN) báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2011 chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 30% tổng số DN niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, kết quả cho thấy phần lớn DN báo lỗ hoặc lợi nhuận sụt giảm mạnh. Giới phân tích cho rằng đây chỉ là kết quả bước đầu, sắp tới sẽ còn nhiều DN công bố thua lỗ nặng.
Lãi vay “hút” sạch lợi nhuận
Thuộc nhóm cổ phiếu giữ giá tốt vì luôn đạt lợi nhuận cao nhưng gần đây, cổ phiếu CII của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM đã liên tục giảm giá vì công ty vừa báo cáo lỗ hơn 10,6 tỉ đồng trong quý II/2011, kéo lũy kế 6 tháng đầu năm CII chỉ lãi 60,07 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi tới hơn 200 tỉ đồng.
CII cho biết không chỉ doanh thu quý này giảm mà chi phí tài chính đã tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ, lên đến 118,6 tỉ đồng, trong đó, khoản chi cho lãi vay là 64,7 tỉ đồng. Hiện dư nợ ngắn hạn cuối quý II của CII là 1.116 tỉ đồng, trong đó vay nợ 734,74 tỉ đồng... Sau khi có thông tin trên, nhiều nhà đầu tư cho rằng CII sẽ không thể nhanh chóng thoát khỏi khó khăn hiện nay nên đã mạnh tay bán tháo cổ phiếu này.
Tương tự, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) vừa công bố quý II lỗ 21,8 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi đến 46 tỉ đồng. Trong phần giải trình nguyên nhân lỗ, ngoài việc phải khấu hao tài sản dự án mới thì phần chi phí tài chính, đặc biệt lãi vay, được công ty nhấn mạnh vì lên đến 144,8 tỉ đồng (trong khi quý II/2010 chỉ có 4,3 tỉ đồng).
Lãi suất ngân hàng quá cao đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Hồng Thúy
Lũy kế chi phí tài chính 6 tháng đầu năm của BCC lên tới 271,36 tỉ đồng, kéo lợi nhuận 6 tháng đầu năm của BCC chỉ còn hơn 1 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 88 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SVC) có lợi nhuận ròng quý II chỉ 2,2 tỉ đồng, giảm 87 % so cùng kỳ, nguyên nhân cũng do chi phí tài chính (phần lớn là do khoản lãi vay) của SVC đã tăng đột biến từ 3,4 tỉ đồng cùng kỳ 2010 lên 38,75 tỉ đồng trong quý II/2011...
Giám đốc kinh doanh một công ty chứng khoán cho rằng điều đáng lo ngại hơn đối với nhiều DN niêm yết bị lỗ nặng do chi phí lãi vay tăng cao hiện vẫn chưa có hướng giải quyết. Chính vì thế khả năng sẽ còn bị thua lỗ trong thời gian tới là rất lớn.
DN chứng khoán lỗ tan nát
Kết quả kinh doanh quý II/2011 và 6 tháng đầu năm của nhóm các công ty chứng khoán cũng vô cùng ảm đạm. Tính đến thời điểm này đã có khoảng 20/26 công ty chứng khoán niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh, hơn 2/3 báo lỗ với tổng số tiền lỗ lên đến hơn 1.000 tỉ đồng.
Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín Sacombank (SBS) đã lỗ tới 164,7 tỉ đồng trong quý II. Cộng 6 tháng đầu năm, SBS đã lỗ ròng 158,6 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ 2010 lãi 148 tỉ đồng.
Nhiều công ty chứng khoán khác cũng cùng chung số phận. Chẳng hạn: Công ty CP Chứng khoán Vndirect (VND) có mức lỗ trong quý này là 87,4 tỉ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ gần 130 tỉ đồng (trong đó chi phí hoạt động kinh doanh đã lên đến 145 tỉ đồng, cao hơn 4 lần so cùng kỳ năm ngoái). Còn Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), mặc dù dẫn đầu về thị phần môi giới tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, nhưng do phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 6 tháng đầu năm lên đến hơn 300 tỉ đồng nên con số lỗ của 6 tháng khoảng 88 tỉ đồng...
Đặc biệt, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) do phải trích lập dự phòng đến 87,8 tỉ đồng, cộng với chi phí tăng cao, lại phải trích đến 124,7 tỉ đồng dự phòng nợ phải thu khó đòi nên chỉ trong quý II, SHS phải ghi lỗ lên đến trên 330 tỉ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm mức lỗ lên đến 382 tỉ đồng...
Tương lai vẫn còn nhiều khó khăn
Một chuyên gia tài chính cho rằng thực tế khó khăn của các DN niêm yết trong quý II đã được dự báo trước bởi chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất vay ngân hàng quá cao, cũng như khó khăn chung của nền kinh tế. Dự báo thời gian tiếp theo sẽ còn nhiều DN báo lỗ.
Riêng các công ty chứng khoán, qua báo cáo tài chính cho thấy nhóm DN này có chung hoàn cảnh là phải trích lập dự phòng với số tiền lớn, chi phí kinh doanh tăng cao, nợ khó đòi kéo dài, đặc biệt nhiều công ty phải bán cổ phiếu giá “bèo” để cắt lỗ…
Theo dự báo của nhiều công ty chứng khoán, từ nay đến cuối năm, rất khó để các công ty chứng khoán thua lỗ có thể thu về được phần vốn này bởi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục thật sự… |
Bình luận (0)