Đó là chia sẻ của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh về những mục tiêu, giải pháp sẽ được ngành ngân hàng triển khai nhằm thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh hoạt động chuyển đổi số tại tổ chức tín dụng phải gắn với nhiệm vụ về gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và cung ứng sản phẩm theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa nghiệp vụ. Đơn cử, ngành ngân hàng đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể như số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số phải đạt ít nhất 70% năm 2025 và 80% năm 2030.
Khách hàng tìm hiểu thông tin tại Nam A Bank
"Các quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động. Đến năm 2025, tỉ lệ giải ngân này phải đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030, đạt tối thiểu 70%" – Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh nói.
Thống kê cho thấy số lượng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số đang tăng trưởng mạnh, trong đó mức tăng trưởng thanh toán di động năm 2020 so với trước là 114% về số lượng và 118% về giá trị; thanh toán QR code tăng 72,9% về số lượng giao dịch…
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, có tới 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Nhiều nghiệp vụ được ngân hàng số hóa hoàn toàn như gửi tiết kiệm; tiền gửi có kỳ hạn; mở và sử dụng tài khoản thanh toán; thẻ ngân hàng; ví điện tử; chuyển tiền… Các ngân hàng ứng dụng công nghệ để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân... giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút thời gian giải ngân.
Như tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bankk), số hóa được xác định tiếp tục là chiến lược mũi nhọn trong mọi hoạt động ngân hàng. Nam A Bank sẽ có những bước tiến mạnh mẽ về chuyển đổi số với mục tiêu quản trị, điều hành trên nền tảng số, tạo ra các sản phẩm dịch vụ khác biệt. Hiện ngân hàng đã hoàn thiện, nâng cấp liên tục hệ sinh thái công nghệ (Robot OPBA - VTM OneBank - App OpenBanking); hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn đầu hệ thống nhận diện định danh điện tử (eKYC) nhằm tiện ích hóa quy trình xác minh, giúp khách hàng giảm bớt thời gian, chi phí đến quầy giao dịch trực tiếp.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử.
Bình luận (0)