Vấn đề các chuyến bay khởi hành không đúng giờ hoặc bị hủy chuyến không những làm phiền lòng hành khách mà các hãng hàng không cũng... đau đầu. Vậy việc bồi thường cho hành khách về sự chậm trễ này cụ thể thế nào?
Chậm chuyến: Có nhiều cách bồi thường
Theo ông Phan Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Khai thác sân bay Tân Sơn Nhất, căn cứ theo Quyết định số 10/2007 của Bộ GTVT về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, có nhiều mức khác nhau tùy thuộc vào độ dài đường bay và bay quốc tế hay trong nước. Mức bồi thường này tùy hành khách lựa chọn, có thể bằng tiền hoặc các dịch vụ giá trị tương ứng.
Đối với hành khách bị trễ chuyến bay từ 1 giờ đến 2 giờ thì được phục vụ ăn uống miễn phí tại nhà ga. Nếu trễ trên 3 giờ thì phải cung cấp thêm một số dịch vụ cho hành khách như xe đưa đón về nhà hay cơ quan và trở lại sân bay miễn phí. Nếu trễ từ 6 giờ trở lên thì phải bố trí khách sạn miễn phí cho hành khách. Và tất cả trường hợp hành khách bị trễ này đều được ưu tiên đi chuyến kế tiếp.
“Có trường hợp hành khách mua vé đến giờ ra sân bay làm thủ tục nhưng bị từ chối làm thủ tục vì hết chỗ. Việc này có phải hàng không cố tình bán vé nhiều hơn so với số chỗ trên chuyến bay?”. Trả lời câu hỏi này, ông Minh thừa nhận: Đúng là có trường hợp hành khách có vé nhưng bị từ chối chuyên chở vì hết chỗ. Đây là chính sách “tối ưu hóa doanh thu” mà bất cứ hãng hàng không nào trên thế giới cũng áp dụng, cho phép bán nhiều hơn số chỗ thực tế theo một tỉ lệ dự báo hành khách bỏ chỗ. Những hành khách không may rơi vào trường hợp này cũng sẽ được bồi thường nhỡ chuyến và được bố trí chuyến bay gần nhất.
Mất hành lý, bồi thường 20 USD/kg
Theo thống kê của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, mỗi ngày bình quân có trên 160 chuyến bay đi và đến với hơn 18.000 hành khách. Ông Phạm Quang Minh, phó đội trưởng Phòng Giám sát dịch vụ hàng không, Trung tâm Kiểm soát Khai thác sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết: Việc thất lạc hành lý thường xuyên xảy ra, do vậy tại đây luôn có bộ phận “tìm kiếm hành lý thất lạc”. Nguyên nhân phổ biến là do các hãng quốc tế bay nối chặng nhiều, chỉ cần trục trặc giờ bay tại điểm xuất phát, nhà vận chuyển ưu tiên giải quyết cho hành khách trước, còn hành lý phải gởi chuyến bay sau. Bên cạnh đó, hiện nay các hãng dùng thẻ từ gắn hành lý, đôi khi hành lý qua băng chuyền, máy soi không đọc được, do vậy hệ thống tự động gạt ra. Vậy việc giải quyết hành lý thất lạc, bị mất là chuyện dễ xảy ra. Nếu là hành lý thông thường, theo thông lệ quốc tế , nếu mất thì bồi thường 20 USD/kg. Trường hợp khi làm thủ tục, hành khách có kê khai tài sản có giá trị và được xác nhận của nhà chuyên chở thì được bồi thường theo giá trị đó. Nếu hành lý thất lạc phải chờ tìm kiếm thì hành khách được bồi thường 30 USD không hoàn lại. Mục đích của số tiền này để hành khách mua sắm những vật dụng cá nhân. Còn nếu bị hư hỏng, rách, vỡ hành lý ký gởi thì sẽ bồi thường theo hao hụt thực tế.
Nếu hủy chuyến hoặc hành khách không được vận chuyển khi đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay mà lỗi do người vận chuyển, thì phải bồi thường cho hành khách: - Đối với các chuyến bay nội địa: Các chuyến bay có độ dài dưới 500 km là 100.000 đồng; từ 500 km đến dưới 1.000 km là 200.000 đồng: từ 1.000 km trở lên là 300.000 đồng. - Đối với các chuyến bay quốc tế: Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 1.000 km, mức bồi thường là 25 USD; từ 1.000 km đến 2.500 km là 50 USD; từ 2.500 km đến dưới 5.000 km là 80 USD; từ 5.000 km trở lên là 150 USD. Độ dài đường bay nội địa và quốc tế xuất phát từ Việt Nam do Cục Hàng không Việt Nam công bố và sẽ được niêm yết tại các sân bay. |
Bình luận (0)