Cách đây 4 năm, thị trường bất động sản không khỏi trầm trồ, xôn xao khi Hiệp hội Bất động sản TP HCM giới thiệu 3 dự án với thiết kế đẹp như mơ và vô cùng độc đáo, gồm: Times Square (quận 1), Royal Garden và Saigon Peninsula (quận 7). Ngày đó, chủ đầu tư và giới chuyên môn đã không ngại dùng nhiều mỹ từ để tán dương, ca ngợi thiết kế của 3 dự án này với niềm hy vọng tràn trề.
Thiết kế như mơ
Theo giới thiệu của Hiệp hội Bất động sản TP, Royal Garden do Công ty TNHH Tân Thuận Nam làm chủ đầu tư, là dự án trung tâm thương mại - dịch vụ kết hợp khu dân cư cao cấp. Điểm độc đáo nằm ở những biệt thự trên không theo chuẩn cao cấp và hiện đại, từ 2-4 phòng ngủ, đặc biệt đỉnh tòa nhà là biệt thự chọc trời với diện tích 500 m²/căn, có bể bơi riêng với thiết bị tạo nước nóng.
Khung cảnh được thiết kế theo phong cách cổ điển của Pháp, bắt đầu từ mặt tiền tòa nhà đến những chi tiết của khu vườn và cây cối bên trong, hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến không chỉ của cư dân mà còn cho cả khách tham quan.
Còn dự án Saigon Peninsula (Công ty CP Đại Trường Sơn làm chủ đầu tư) là khu đô thị gồm biệt thự cao cấp và cao ốc căn hộ, công viên chuyên đề, trung tâm mua sắm, bến du thuyền và bến tàu khách quốc tế… Nằm tại mũi Đèn Đỏ, giáp với sông Nhà Bè và sông Sài Gòn, dự án có giá trị sinh thái cao và giao thông thuận tiện.
Do đó, nhà thiết kế cũng đưa ra ý tưởng duy trì và bảo tồn trọn vẹn sự hoang sơ tại bán đảo này với cây cối và đất ẩm được giữ nguyên trạng, hài hòa với văn hóa làng quê, những đền chùa và bảo tàng... Cả 3 dự án càng có nhiều triển vọng hơn khi đều được tài trợ vốn bởi 3 ngân hàng TMCP Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và Sài Gòn.
Vỡ mộng
Ngoài Times Square đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 2 dự án còn lại đang dần thành… ác mộng. Royal Garden khởi công tháng 8-2009, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2012. Thế nhưng đến nay, khu đất “vàng” rộng 3 ha, 3 mặt tiền đường (Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương và đường 14, quận 7) này vẫn là bãi đất trống được rào kín mít. Công trình duy nhất có thể nhìn thấy là dãy nhà tôn của bảo vệ, xung quanh bị người bán hàng rong trưng dụng triệt để.
Còn đại đô thị 118 ha tại mũi Đèn Đỏ đến nay vẫn là một vùng đất hoang vu toàn lau lách. Vùng ranh dự án tiếp giáp các trục đường Đào Trí, Gò Ô Môi vẫn còn 24 hộ dân đang bám trụ vì chưa được bồi thường. Được biết, phương án đền bù thực hiện theo mức giá tự thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân nhưng 2 bên vẫn đang “thủ thế”.
Ông Lê Văn Hai - tổ trưởng tổ dân phố 21, khu phố 2, phường Phú Thuận - cho biết phía chủ đầu tư cứ cho người xuống đo đạc liên tục rồi mời họp tới lui nhưng không đưa ra mức giá mà đề nghị người dân cho giá. “Chúng tôi thì làm sao biết được giá bao nhiêu là vừa. Họ phải nghiên cứu để bồi thường cho chúng tôi mức giá phù hợp, đủ tạo dựng cuộc sống ở nơi mới chứ. Tôi có nghe họ đã đền bù đất ruộng cho những người chuyển đi với giá 8,5 tỉ đồng/1.000 m2” - ông Hai nói.
Tuy vậy, trường hợp ông Lê Văn Một đã đưa giá nhưng chủ đầu tư không chấp nhận. “Tôi đưa mức giá 12 triệu đồng/ m2 nhưng họ không chấp nhận và cũng không đưa ra mức giá của mình mà chỉ tuyên bố là 8 triệu đồng/m2 còn chưa chịu, nói gì đến 12 triệu đồng/m2. Tôi nói lấy đất đổi đất, sắp xếp cho chúng tôi chỗ tái định cư thì họ bảo hết đất rồi. Trong khi đó, vài dự án gần đây có mức giá từ 15-16 triệu đồng/m2. Họ đền thấp làm sao tôi đủ tiền mua đất, rồi còn xây nhà nữa?” - ông Một bức xúc.
Ông Lê Văn Hai cho biết trong các cuộc họp tổ dân phố, người dân đề nghị nếu chủ đầu tư không thỏa thuận được mức giá bồi thường thì nhà nước nên xóa quy hoạch khu vực này hoặc đưa đất ra ngoài dự án để họ có thể xây dựng nhà ở và khai thác quỹ đất ở để phục vụ kinh tế gia đình. “Nhà cửa cất cũng lâu nên xuống cấp nhưng quận chỉ cho sửa chữa theo hướng nâng nền, chống dột. Nhà ở đây rất thấp, nếu nâng nền thôi thì sẽ thành “hang”! Đất trống nhiều, bỏ không thì rất xót ruột” - ông Hai nói.
Theo ông Hồ Thái Thành, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 7, do việc bồi thường, giải phóng mặt bằng dựa trên thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân nên chính quyền không thể can thiệp. Tuy không nắm phương án bồi thường nhưng ông Thành cho rằng chủ đầu tư nào cũng có phương án bồi thường, di dời cũng như mức giá cụ thể.
Có thể thời điểm bất động sản đang sốt nên chủ đầu tư sốt sắng bồi thường với giá cao, còn hiện nay thì mức giá thấp hơn hoặc chần chừ vì khả năng tài chính. Trước đề nghị của người dân về việc điều chỉnh ranh quy hoạch, đưa những hộ dân chưa được bồi thường ra khỏi dự án để họ chỉnh trang nhà cửa, ông Thành cho biết phần lớn nhà dân nằm trong khu vực được quy hoạch chức năng lộ giới và công trình công cộng - những hạng mục bắt buộc phải đầu tư để giao về địa phương quản lý để kết nối hạ tầng - nên không thể đáp ứng.
“Ấn tượng” về điều chỉnh quy hoạch
Một dự án gợi nhiều “cảm xúc” khác là Trung tâm Tài chính Việt Nam của Tập đoàn Berjaya (Malaysia) tại quận 10, TP HCM. Nằm tiếp giáp đường 3 Tháng 2, Lê Hồng Phong và Cao Thắng nối dài, chủ đầu tư khẳng định sẽ “biến” khu vực này thành một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Dự án được dự kiến khởi công năm 2008 và hoàn thành khoảng năm 2013 nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy. Tuy nhiên, “ấn tượng” đối với các cơ quan chức năng không phải là quy mô dự án mà chính là việc điều chỉnh quy hoạch. Theo một cán bộ Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, chưa thấy dự án nào xin điều chỉnh quy hoạch nhiều như dự án này. Sau nhiều lần điều chỉnh, quy mô dự án đã giảm một nửa, từ 5 tòa tháp cao từ 44-48 tầng, chỉ còn 2 tòa tháp.
Kỳ tới: “Treo” hạ tầng
Bình luận (0)